.
Ký sự pháp đình:

Hai phiên tòa, một vụ kiện

.
09:07, Chủ Nhật, 31/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - “Chỉ vì họ quá đáng lắm tôi mới nộp đơn ra Tòa nhờ pháp luật phân giải, để biết được rốt cuộc ai đúng ai sai, thiệt hơn như thế nào thôi, chứ trước sau gì chúng tôi cũng là hàng xóm “ăn đời, ở kiếp với nhau” thôi mà”. Phía bị đơn trình bày trước Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm.

Phải đến phiên tòa phúc thẩm lần này, “cuộc chiến” đất đai giữa 2 nhà hàng xóm mới thực sự ngã ngũ... Trước đó, thấy kết quả đo đạc đất của ông Tân (bị đơn trong phiên tòa xét xử phúc thẩm tranh chấp quyền sử dụng đất này) thừa so với diện tích được cấp, còn đất của gia đình mình lại thiếu, ông Dũng (nguyên đơn) liền yêu cầu người hàng xóm phải dịch hàng rào lùi lại 0,5m để trả lại đất cho mình, thế nhưng ông Tân không đồng ý.

Kết quả đo đạc đã rõ rành rành như thế, nếu ông Tân đã không thuận, thì ông cũng có cách để giành lại đất của mình, ông Dũng thầm nghĩ. Ngày xây dựng giàn mát, ông Dũng dựng luôn 2 cột trụ lấn sang đất ông Tân 0,7m. Từ đây, giọt nước đã tràn ly... Ông Tân và gia đình liền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án.

Tại phiên tòa cấp sơ thẩm, ông Tân, đại diện cho phía nguyên đơn là mẹ vợ của mình cho rằng, năm 2006, mẹ vợ anh và các anh chị em trong gia đình vợ đã tặng cho vợ chồng thửa đất nói trên, thế nhưng cũng chỉ vì mảnh đất còn vướng tranh chấp nên nhiều năm qua, gia đình ông không sao làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Từ khi đến đây cũng vì lời qua tiếng lại, gia đình ông chưa yên lấy một ngày để làm ăn, sinh sống.

Đã là hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau, ông cũng muốn được sống vui vẻ, thân thiết với nhau lắm chứ. Ông yêu cầu Tòa thẩm định tại chỗ diện tích đất của 2 gia đình để phân xử đúng sai.

Ngược lại, ông Dũng, phía bị đơn cho rằng, gia đình ông làm nhà và sử dụng diện tích đất nói trên từ năm 1989. Năm 2007, ông được UBND huyện cấp GCNQSDĐ. Năm 2013, ông đào móng dựng cột trụ làm giàn mát trên diện tích đất của mình. Từ đó đến nay, giữa 2 gia đình không xảy ra tranh chấp, nhưng không hiểu vì sao năm 2017 ông Tân lại cho rằng gia đình ông đã lấn chiếm đất.

Kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn cho thấy, đất của bố mẹ vợ ông Tân (ông Tân chưa làm được thủ tục đăng ký QSDĐ do bố mẹ vợ chuyển nhượng) và đất ông Dũng đều được cấp GCNQSDĐ đúng quy định.

Việc diện tích đất của bố mẹ ông Tân tăng lên so với GCNQSDĐ cũ gần 400m2, không phải do lấn chiếm của ai, không ảnh hưởng đến việc tranh chấp giữa hai gia đình. Lý do diện tích đất tăng lên là vì trước đây đo bằng thước dây (đo thủ công) nên không chính xác.

Sau khi có đơn xin cấp đổi của ông Tân, cơ quan chức năng đã đo lại bằng máy theo hệ toạ độ qua vệ tinh nên độ chính xác cao. Theo kết quả thẩm định, ông Dũng đã lấn chiếm của ông Tân 181m2.

Vì vậy, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định buộc ông Dũng phải trả lại diện tích nói trên cho ông Tân và buộc ông Dũng phải tháo dỡ hai cọc bê tông, tường rào để trả lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm.

Không đồng ý với kết quả của Tòa sơ thẩm, ông Dũng đã gửi đơn lên cấp phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Dũng, giờ đây là nguyên đơn, bức xúc cho rằng, Tòa sơ thẩm đã xét xử không vô tư, khách quan, không đúng với thực tế.

Ông Dũng một mực khăng khăng cho rằng việc dựng cột bê tông giàn mát của gia đình không lấn chiếm sang đất của nhà hàng xóm. Bởi thực tế, đất gia đình ông đang còn thiếu trong khi đất của nhà hàng xóm lại thừa. Vậy mà tòa án sơ thẩm lại tuyên buộc ông trả lại diện tích đất đã lấn chiếm cho ông Tân. Ông đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh lấy lại công bằng cho ông.

 Tại phiên tòa phúc thẩm, theo kết quả thẩm định, việc đất của ông Dũng bị thiếu là do đất của ông Đặng (anh trai của ông Dũng ở bên cạnh) đã lấn sang đất của ông chứ không phải đất của ông Tân lấn chiếm. Hơn nữa, nhà bếp của ông Dũng còn lấn sang đất của ông Tân hơn 27m2 (27m2 này nằm trong diện tích 181m2 ông Dũng đã lấn chiếm của ông Tân).

Vì vậy, HĐXX đã tuyên buộc ông Dũng phải trả lại toàn bộ diện tích nói trên. Tuy nhiên, việc tháo dỡ nhà bếp của ông Dũng sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình, nên HĐXX tuyên buộc ông Dũng phải bồi thường cho ông Tân bằng tiền hơn 500 ngàn đồng.

Sau khi HĐXX tuyên án, ông Tân liếc nhìn sang phía nguyên đơn, là người hàng xóm của mình và nói rằng: “Tôi có thể không lấy số tiền hơn 500 ngàn đồng đó, nhưng qua đây để chứng minh rằng gia đình tôi không lấn chiếm đất của họ... Chỉ vì họ làm quá lên nên tôi mới làm vậy, chứ đã là hàng xóm với nhau, nhường nhịn nhau một tí, cũng chẳng thiệt tí nào”.

D.C.H

---------------------------------------------------------------------
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
 

,