.

Thực tiễn thực hiện đấu giá tài sản công theo luật Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Những bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện

.
07:44, Thứ Hai, 25/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 21-6-2017,  Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Qua thực tiễn thực hiện việc đấu giá tài sản công cho thấy, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã bộc lộ một số bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện...

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua đã có những quy định liên quan đến: Tài sản công và phân loại tài sản công; chính sách và nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công; các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; công khai và giám sát của cộng đồng đối với tài sản công; các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Một phiên đấu giá tài sản công tại thành phố Đồng Hới.
Một phiên đấu giá tài sản công tại thành phố Đồng Hới.

Luật này đã tạo lập cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc đấu giá tài sản công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được sửa đổi để hoàn thiện.

Cụ thể, về thời gian nộp tiền mua tài sản công, trước đây người mua trúng đấu giá nộp tiền trong thời hạn 90 ngày kể từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP,  ngày 26-12-2017 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, người mua nộp tiền trúng đấu giá trong thời hạn 90 ngày kể từ thời điểm ký hợp đồng mua bán tài sản.

Trong khi đó, theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP,  ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công trong thời hạn 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng mua bán tài sản, người trúng đấu giá nộp 50% tiền mua tài sản và 50% còn lại nộp trong 60 ngày.

Các quy định trên đã khiến tổ chức đấu giá tài sản lúng túng khi đưa ra thời hạn nộp tiền của người trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá nhà, đất thuộc tài sản công. Ngoài ra, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản, người trúng đấu giá không nộp đủ 50% tiền mua tài sản thì không có quy định xử lý chậm nộp.

Một bất cập tiếp theo liên quan đến thời hạn nộp tiền được tính từ ngày ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đó là trường hợp nếu sau khi cuộc đấu giá kết thúc, tổ chức đấu giá tài sản cho người trúng đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và tiến hành công chứng hợp đồng, nhưng sau đó người trúng đấu giá không nộp đủ tiền đúng thời hạn và không mua tài sản nữa.

Khi đó, tổ chức đấu giá tài sản sẽ tiến hành hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, người mua trúng đấu giá không hợp tác, dẫn đến không bán được tài sản, gây chậm trễ trong việc đấu giá lại để thu hồi vốn ngân sách của Nhà nước.

Tiếp theo, một số tài sản công khi đấu giá không có khách hàng đăng ký tham gia do việc định giá tài sản ban đầu để đưa ra đấu giá quá cao so với giá trị tài sản, dẫn đến việc đấu giá không thành.

Theo Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định việc xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành, cụ thể: Tổ chức đấu giá lại đối với trường hợp đấu giá lần đầu không thành hoặc bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá; nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá; nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao nhất và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá từ lần thứ hai trở lên...

Tuy nhiên, nếu tổ chức đấu giá lại nhưng vẫn giữ nguyên giá khởi điểm cao như ban đầu thì nguy cơ dẫn đến việc đấu giá không thành là rất cao.

Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về giảm giá tài sản để đấu giá tiếp trong trường hợp đã tổ chức đấu giá nhưng không thành do giá khởi điểm quá cao.

Trong khi đó, khoản 8 Điều 23 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công lại có quy định cụ thể về việc giảm giá đối với trường hợp bán tài sản công theo hình thức niêm yết giá, cụ thể: "Trường hợp hết thời hạn niêm yết giá, mà không có người đăng ký mua thì người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản xem xét, quyết định giảm giá bán tài sản để tổ chức bán lại theo nguyên tắc mỗi lần giảm không quá 10% giá niêm yết của lần trước liền kề...".

Vì thế, các tổ chức có tài sản công đưa ra đấu giá rất lúng túng trong việc có nên giảm giá tài sản để đấu giá tiếp hay không. Và thủ tục thực hiện việc giảm giá tài sản công thực hiện như thế nào.

Nếu không giảm giá thì sẽ không bán được tài sản, khi giảm giá thì thực hiện như thế nào. Và nếu thủ tục giảm giá tài sản công để đấu giá lại được thực hiện như khâu định giá ban đầu thì vừa tốn chi phí, vừa kéo dài thời gian trong việc đấu giá tài sản công, làm chậm trễ việc thu ngân sách của Nhà nước.

Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể trong việc định giá lại tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành do giá khởi điểm ban đầu của tài sản quá cao so với giá trị thực của tài sản.

Liên quan đến việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản, theo quy định tại khoản 1, Điều 57 Luật Đấu giá tài sản thì ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 35 của Luật Đấu giá tài sản, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

Còn theo quy định tại khoản 6, Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì thông tin về việc đấu giá tài sản công tại cơ quan nhà nước được niêm yết, thông báo công khai theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và đăng tải trên hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công.

Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn đang bộc lộ một số bất cập rất cần được tiếp tục hoàn thiện.
Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vẫn đang bộc lộ một số bất cập rất cần được tiếp tục hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 của Luật Đấu giá tài sản thì trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản (trừ trường hợp đấu giá đối với khoáng sản và tài sản nhà nước ở nước ngoài).

Luật Đấu giá tài sản không quy định việc tổ chức đấu giá tài sản phải đăng thông tin đấu giá tài sản công trên hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công cũng như số lần đăng tải trên hệ thống này.

Cho nên, việc tổ chức đấu giá tài sản không đăng thông tin đấu giá tài sản công trên hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công có trái quy định không.

Vì vậy, đề nghị Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cân nhắc việc hướng dẫn các tổ chức đấu giá tài sản gửi thông báo công khai trên hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc trang thông tin điện tử về tài sản công, để bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ việc thông báo công khai theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Để khắc phục những bất cập, khó khăn trong đấu giá tài sản công nói trên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý và triển khai thực hiện, góp phần đưa công tác quản lý, đấu giá tài sản công ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Luật gia Hương Nhài
 

,