.

Gần hơn... nẻo về

.
14:36, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Khác với hình dung của nhiều người, đằng sau cánh cổng trại giam luôn đóng kín, vẫn tồn tại một thế giới khác, thế giới của tình thương, của niềm tin và hy vọng. Ở đó, các phạm nhân được dạy nghề, truyền nghề để hiểu hơn giá trị lao động, để nẻo về trên con đường phục thiện của họ bớt đi những gập ghềnh, chông chênh. Đó chính là những gì mà chúng tôi bắt gặp, cảm nhận được khi đến thăm Trại giam Đồng Sơn, Cục C10, Bộ Công an.
 
Đội may của Trại giam Đồng Sơn trong cái lạnh ngày cuối đông vẫn nhộn nhịp như thường lệ. Sự niềm nở, nụ cười tươi tắn trên gương mặt các phạm nhân đang học nghề xua tan nỗi nghi ngại trước khi đến đây của chúng tôi.
 
Đại úy Nguyễn Hữu Thành, Phó đội trưởng đội Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Trại giam Đồng Sơn dẫn chúng tôi đến gặp Chu Văn Hùng (SN 1991), một trong những phạm nhân lành nghề, cải tạo tốt của đội may.
Nhờ lao động, học nghề, các phạm nhân dần quên đi nỗi buồn, sự chán nản, hy vọng sớm được về đoàn tụ với gia đình.
Nhờ lao động, học nghề, các phạm nhân dần quên đi nỗi buồn, sự chán nản, hy vọng sớm được về đoàn tụ với gia đình.
"Lúc mới vào đây, em lơ ngơ lắm, chẳng thạo một nghề gì cho ra trò. Sau khi tham gia lớp học nghề may do trại tổ chức, em thấy mình hiểu thêm được nhiều điều, nhất là hiểu rằng, mình cần phải biết một nghề gì đó để sau này lập nghiệp.
 
Từ công việc này, em cũng tìm thấy niềm vui, dần quên đi nỗi buồn, sự chán nản và hy vọng sớm có ngày về đoàn tụ với gia đình. Bây giờ, em là một trong những thợ may lành nghề của đội may đấy ạ", Hùng khoe.
 
Nhận mức án 7 năm tù vì tội cướp tài sản, tháng 9-2017, Hùng nhập trại thụ án với tâm lý bất cần, buông xuôi. Được sự động viên của các cán bộ quản trại, Hùng tham gia học nghề may.
 
Sau 3 tháng học tập nghiêm túc, cậu được cấp chứng chỉ học nghề, “tấm vé” mở ra tia hy vọng trên con đường hoàn lương. Giờ đây, chàng trai bồng bột, nông nổi ngày nào đã thay đổi theo hướng tích cực, biết quý trọng sức lao động, biết nghĩ ngợi cho tương lai. Với Hùng và cả gia đình cậu, đó thực sự là tín hiệu đáng mừng.
 
Cũng như Hùng, ngày mới vào thụ án tại Trại giam Đồng Sơn, Nguyễn Thành Duy (SN 1996), quê ở Nghi Lộc, Nghệ An luôn cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Với tội danh cố ý gây thương tích, Duy bị kết án 6 năm 6 tháng tù giam.
 
Phạm tội khi tuổi đời còn quá trẻ, Duy trở thành một phạm nhân lầm lỳ, cố chấp, không ý chí, không nghị lực. Thế rồi, được sự động viên, cảm hóa của các cán bộ trại giam, Duy dần lấy lại được tinh thần, tham gia vào đội học nghề xây dựng cơ bản.
 
Giờ đây, sau hơn 1 năm thụ án, người ta không còn nhìn thấy một Nguyễn Thành Duy lớ ngớ, nông nổi ngày trước mà là một Nguyễn Thành Duy chăm chỉ, chững chạc, giỏi nghề và có định hướng rõ ràng cho tương lai. “Ra trại, em sẽ xin tham gia vào các đội xây dựng ở làng, cố gắng làm việc, có điều kiện sẽ đứng ra lập đội xây dựng riêng của mình”, Duy bộc bạch.
 
Chu Văn Hùng, Nguyễn Thành Duy chỉ là 2 trong số rất nhiều phạm nhân ở Trại giam Đồng Sơn đang nỗ lực cải tạo, rèn luyện, chăm chỉ học nghề để mong rút ngắn ngày về. Điều mang lại hy vọng cho họ chính là sau khi học nghề, họ được cấp chứng chỉ, một trong những điều kiện cần thiết để tìm kiếm việc làm sau khi mãn hạn.
 
Có được chứng chỉ học nghề sẽ giúp những con người từng lầm lỡ ấy vững tin hơn vào nẻo về ngày mai, dù rằng họ luôn hiểu chặng đường tái hòa nhập cộng đồng còn rất nhiều thử thách.
 
Với mục tiêu giúp các phạm nhân học nghề, có môi trường phấn đấu để tiến bộ, định hướng tích cực trong quá trình cải tạo, đồng thời, lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi mãn hạn tù, công tác dạy nghề, tạo việc làm được Trại giam Đồng Sơn đặc biệt quan tâm. Với suy nghĩ tiêu cực, bước chân vào trại giam là cuộc đời đi vào ngõ cụt, nhiều phạm nhân, nhất là những người lãnh án cao thường có tâm lý chán nản, buông xuôi, thậm chí chống đối.
 
Thấu hiểu những điều đó, Ban giám thị Trại giam Đồng Sơn cùng các cán bộ đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh các phạm nhân; quan tâm tìm hiểu xem họ có mong muốn gì, từ đó, định hướng cho phạm nhân học nghề phù hợp.
 
Được sự quan tâm của Ban giám thị, sự giúp đỡ của các cán bộ trại giam, hầu hết các phạm nhân vào trại đều đã thích ứng được với cuộc sống, công việc ở đây, rất nhiều người đã dần hăng say với nghề mình chọn, tự cải tạo tốt. Và trên thực tế, không ít phạm nhân ra tù đã bản lĩnh đứng lên trên đôi chân của mình, tạo dựng sự nghiệp từ chính nghề mà họ được học trong trại giam.
Lao động, đào tạo nghề cho phạm nhân trong trại giam là hy vọng cho những người từng lầm lỡ mở lại cánh cửa cuộc đời.
Lao động, đào tạo nghề cho phạm nhân trong trại giam là hy vọng cho những người từng lầm lỡ mở lại cánh cửa cuộc đời.
Thụ án 7 năm tù vì tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, nhờ cải tạo tốt, năm 2013, anh N.H.T. (SN 1987) ở phường Nam Lý, TP. Đồng Hới đã được đặc xá trước thời hạn sau hơn 3 năm thụ án. Với chứng chỉ nghề xây dựng cơ bản có được trong thời gian thi hành án ở Trại giam Đồng Sơn, trở về địa phương, anh T. gạt bỏ quá khứ lỗi lầm, mạnh dạn đầu tư mở công ty chuyên phân phối sơn.
 
Anh bảo, những năm tháng ở trong tù, anh không chỉ được học nghề mà còn học cách đối mặt với khó khăn để có định hướng đúng đắn hơn cho tương lai. Giờ đây, công ty của chàng trai giàu nghị lực ấy không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Có thể thấy, có tay nghề và việc làm ổn định sau khi ra tù không chỉ là ước mơ của các phạm nhân mà còn là mong mỏi của cả xã hội. Vì vậy, việc lao động và học nghề trong trại giam không chỉ giúp các phạm nhân hiểu giá trị của lao động, quý những thành quả mình làm ra mà còn là nguồn sáng, là hy vọng để những người từng lầm lỡ ấy dễ dàng hơn khi mở lại cánh cửa cuộc đời, xây dựng cuộc sống mới.

Ngoài việc chú trọng đưa lao động vào nhà xưởng, bảo đảm an toàn công tác quản chế, giam giữ, Trại giam Đồng Sơn còn phối hợp với các công ty, đơn vị bên ngoài để vừa giúp phạm nhân học nghề, vừa bao tiêu sản phẩm.

Riêng năm 2018, trại đã phối hợp với Trường cao đẳng nghề Quảng Bình tổ chức 7 lớp dạy nghề về xây dựng, may công nghiệp và trồng rau an toàn cho 210 phạm nhân.

Tâm An

 

,