.

Vụ án Út ''trọc'': Y án sơ thẩm đối với Đinh Ngọc Hệ và 2 bị cáo khác

.
17:07, Thứ Năm, 01/11/2018 (GMT+7)

Chiều 1-11, tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc"), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn cùng các đồng phạm có kháng cáo.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (đứng, phải) và bị cáo Trần Văn Lâm nghe Hội đồng xét xử đọc bản tuyên án. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (đứng, phải) và bị cáo Trần Văn Lâm nghe Hội đồng xét xử đọc bản tuyên án. (Ảnh: TTXVN)

Trong hai ngày (ngày 30 và 31-10), Tòa án Quân sự Trung ương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ và các bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn), Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có kháng cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST ngày 31-7-2018 của Tòa án Quân sự Quân khu 7.

Chiều 1-11, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án và quyết định không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm, Phùng Danh Thắm, giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm về phần hình sự đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, về hình phạt đối với các bị cáo Trần Văn Lâm, Phùng Danh Thắm.

>> Vụ Út "trọc": Đề nghị xem xét trách nhiệm đối với Cung Đình Minh

Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, tại phiên tòa, bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, trong khi đó, các bị cáo khác trong vụ án đã thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm tuyên. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, lời khai tại phiên phúc thẩm phù hợp với người làm chứng, phù hợp tài liệu, chứng cứ, có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị cáo mà bản án sơ thẩm đã tuyên là đúng người, đúng tội.

Tòa phúc thẩm giữ nguyên hình phạt hình sự tại bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ;” hai năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.” Tổng hợp hình phạt tù, bị cáo Đinh Ngọc Hệ phải chịu mức án 12 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 3-12-2017.

Cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” bị cáo Trần Văn Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn) 5 năm tù giam. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 13-3-2017.

Bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng;” giao bị cáo Thắm cho Tổng Công ty Thái Sơn để giám sát giáo dục, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày Tổng Công ty Thái Sơn nhận được hồ sơ thi hành án.

Về hình phạt bổ sung, Tòa phúc thẩm tuyên, cấm bị cáo Đinh Ngọc Hệ đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp bốn năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù; cấm bị cáo Trần Văn Lâm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp ba năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Tòa xử phạt bị cáo Phùng Danh Thắm cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Tòa chấp nhận một phần kháng cáo, sửa quyết định của bản án sơ thẩm về biện pháp tư pháp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó, tịch thu, sung quỹ Nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn có trách nhiệm phải nộp số tiền này. Về biện pháp tư pháp, Tòa ghi nhận bị cáo Trần Văn Lâm đã tự nguyện thi hành số tiền là hơn 168 triệu đồng theo quyết định của bản án sơ thẩm.

Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với ông Cung Đình Minh (hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) và những người có liên quan trong việc ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn ngày 15-8-2014 về việc đồng ý thế chấp bốn xe ôtô.

Phiêd tòa được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng luật định; quá trình xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hội đồng đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo theo quy định của pháp luật; với mỗi bị cáo, hành vi phạm tội đều được chứng minh làm rõ và áp dụng hình phạt tương ứng theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình tố tụng thể hiện tinh thần hành động kiên quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mọi quân nhân đều bình đẳng trước pháp luật, ai sai phạm, sai phạm đến đâu cũng đều sẽ bị xử lý, không có vùng cấm.

Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

,