.

Giải đáp pháp luật

.
10:52, Thứ Hai, 29/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hỏi: Ông Nguyễn Việt Nam (Tuyên Hóa) hỏi: Tôi năm nay 61 tuổi, là bị đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất do TAND huyện Tuyên Hóa đang thụ lý giải quyết. Tôi có thể đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh Quảng Bình cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong vụ án này được không?

Trả lời: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Nghị định số 144/2017/NĐ-CP, ngày 15-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định những người sau đây được TGPL:

1. Người có công với cách mạng.

2. Người thuộc hộ nghèo.

3. Trẻ em.

4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

7. Người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

b) Người nhiễm chất độc da cam;

c) Người cao tuổi;

d) Người khuyết tật;

đ) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

e) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

g) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

h) Người nhiễm HIV”.

Điều 2: Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

Trong trường hợp này, ông là người cao tuổi và nếu thuộc hộ cận nghèo hoặc đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc thuộc một trong những diện người được TGPL khác nêu trên thì ông sẽ có quyền yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Bình cử người thực hiện TGPL cho mình. Ông có thể liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 đóng tại thị trấn Đồng Lê - Tuyên Hóa để được hướng dẫn.

Hỏi: Chị Nguyễn Ngọc Anh (Bố Trạch) hỏi: Anh trai tôi là người phải thi hành án phạt tù, hiện nay đang được tại ngoại. Anh tôi có làm đơn xin hoãn thi hành án do bị bệnh nặng. Kết quả giám định sức khỏe kết luận tỷ lệ tổn thương do bệnh là 25%. Vậy, Tòa án có căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe do bệnh để quyết định cho anh trai tôi được hoãn thi hành án hay không?

Trả lời: Ngày 7-4-2017, TAND Tối cao đã ban hành văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ. Tại mục 6, phần II giải đáp về việc cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng như sau:

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 61, Bộ luật Hình sự năm 1999 (điểm a, khoản 1, Điều 67, Bộ luật Hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể: “Người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Như vậy, việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án chưa đủ cơ sở để kết luận cho anh trai của chị hoãn thi hành án phạt tù được.

Chi hội Luật gia Sở Tư pháp

 

,