.
Phòng, chống tham nhũng:

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng

.
08:38, Chủ Nhật, 03/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 22-5-2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 752/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 29-11-2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác PCTN.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCTN với phương châm phòng ngừa là chính; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, kết hợp chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính quyền, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả 6 nhóm nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Phát huy trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; lấy hiệu quả của công tác PCTN làm một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình tham nhũng trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Tiếp tục nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 107/NĐ-CP, ngày 22-9-2006; Nghị định số 211/NĐ-CP, ngày 19-12-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Gắn công tác PCTN, lãng phí với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, cần tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Trong đó, tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ.

Đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý tài nguyên, khoáng sản.
Đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 19 CT/TU, ngày 17-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; chú trọng tới chức trách của từng vị trí công tác theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Xử lý trách nhiệm, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng, gây dư luận theo quy định của pháp luật; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng...

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ để phòng ngừa tham nhũng. Cụ thể, thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng như: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, tài sản công, tổ chức cán bộ...

Bên canh đó, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 11-6-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 13-9-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; các quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập; kiểm soát tài sản thu nhập. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai kê khai tài sản thu nhập và xác minh tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN. Theo đó, các sở, ban, ngành thường xuyên rà soát, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế, tổ chức cán bộ...

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật PCTN; Luật Thanh tra; Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành theo phạm vi, thẩm quyền, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến công tác PCTN.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng với việc triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tập trung triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm; nâng cao chất lượng thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra, có biện pháp kiên quyết để xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực thi hành.

Chủ động xác định những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng. Đặc biệt, cần tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều dư luận, có nguy cơ phát sinh tham nhũng như: quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân sách, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ... Thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội...

Thứ sáu, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN với việc phát huy vai trò của UBMTTQVN các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng.

Phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải, đồng thời đảm bảo cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo. Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 3-2-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN; Quy định số 04-QĐ/TU, ngày 20-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN.

Phòng Bạn đọc

 


 

,