.

Lừa đảo xuất khẩu lao động, vì sao nên nỗi?-Kỳ 2: "Cò" môi giới vẫn lộng hành?!

.
09:30, Thứ Ba, 05/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Người dân vẫn bị lừa, “cò” môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn lộng hành là thực tế đã và đang diễn ra nhiều năm nay. Thế nhưng, công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn các hoạt động của giới “cò” XKLĐ và các cơ sở tư vấn, làm dịch vụ XKLĐ vẫn còn bị buông lỏng?!

>> Kỳ 1: Muôn kiểu "sập bẫy"!

Khó có cơ sở để kết luận hành vi lừa đảo...

Tháng 8-2016, trên địa bàn xã Hải Ninh (Quảng Ninh) có 2 người tên là Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Hữu Sơn đến trực tiếp một số hộ dân trên địa bàn xã này để môi giới người đi làm việc tại Hàn Quốc. Sau khi thỏa thuận, hai đối tượng này đã đưa 6 người dân ở đây ra tại Công ty Cổ phần Cung ứng Bắc Giang (Hà Đông, TP.Hà Nội) để làm hồ sơ và học tiếng Hàn.

Hai đối tượng trên đã thu của mỗi người dân số tiền hơn 170 triệu đồng. Sau khi học tiếng xong, những người lao động này được thông báo ngày 12-10-2016 có mặt tại trụ sở công ty nói trên để chờ bay. Thế nhưng, khi ra đến đây, họ chờ mãi vẫn không được đưa lên máy bay sang Hàn Quốc. Họ đành phải trở về quê với cục nợ ngân hàng không biết đến lúc nào mới trả đủ.

Ngoài con số 6 nạn nhân ở Hải Ninh (Quảng Ninh), cùng thời điểm nói trên, còn có hàng chục người dân ở xã biển Nhân Trạch (Bố Trạch) cũng bị sập bẫy lừa của đường dây này, với số tiền bị "chiếm đoạt” lên đến hàng tỷ đồng. Những người dân này đã làm đơn gửi đến cơ quan công an, thế nhưng để xử lý các đối tượng này không phải là dễ.

Thượng tá Nguyễn Quốc Công, Phó trưởng Phòng PA92, Công an tỉnh cho biết: “Đối với vụ việc này, Công an tỉnh phải chuyển ra Công an TP.Hà Nội để xác minh và xử lý, vì các đối tượng này đều ở Hà Nội”. Thực tế có rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, người dân đã gửi đơn đến cơ quan công an yêu cầu điều tra. Thế nhưng, để khẳng định đó có phải là hành vi lừa đảo hay không, ngay cả cơ quan công an cũng khó có cơ sở để kết luận...".

Từng tiếp nhận, xác minh và giải quyết rất nhiều vụ việc tương tự do người dân báo, thế nhưng theo thượng tá Nguyễn Quốc Công, đối với những vụ việc này, cơ quan công an chưa thể khẳng định được có hành vi lừa đảo hay không vì chưa đủ bằng chứng và chưa có cơ sở rõ ràng. Nếu khẳng định là đối tượng có hành vi lừa đảo thì phải có thủ đoạn gian dối và chiếm đoạt tiền. Trong hầu hết các vụ việc này, mặc dù đã xác định được việc cầm tiền, nhưng không thể khẳng định đó là hành chiếm đoạt. Còn để chứng minh thủ đoạn gian dối thì chưa có cơ sở.

Công tác kiểm soát và quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, điểm tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Công tác kiểm soát và quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, điểm tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Bởi, hầu hết các thỏa thuận giao dịch này hoặc là bằng miệng hoặc là bằng các cam kết trên cơ sở tự nguyện của người dân. “Các trường hợp, người dân phản ánh với cơ quan công an chỉ là bề nổi thôi, chứ trong thực tế xảy ra rất nhiều vụ việc tương tự. Đáng buồn là có nhiều trường hợp biết mình bị lừa nhưng không biết kêu ai”, thượng tá Nguyễn Quốc Công cho hay.

...Và khó kiểm soát?

Theo các nhà quản lý, việc kiểm soát và ngăn chặn các “cò” XKLĐ là việc khó, nếu như không nói là không thể. Vì đây là những hoạt động ngầm theo kiểu “đi đêm”. Họ trực tiếp “bắt tay” với người dân. Giải pháp cho vấn đề này chỉ còn một cách là người dân phải tự bảo vệ chính mình và cảnh giác được trước những chiêu trò của bọn "cò mồi".

Vì vậy, trước lúc tìm đến các cơ sở làm dịch vụ tư vấn XKLĐ, người dân cần phải xác minh thông tin của công ty, doanh nghiệp làm dịch vụ XKLĐ tại chính quyền địa phương hoặc các cơ quan quản lý, để tránh những hệ lụy không đáng có. Thế nhưng, một vấn đề nữa đặt ra ở đây là, ngoài nạn “cò mồi", “đi đêm’, việc kiểm soát và quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện, điểm tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Thượng tá Nguyễn Quốc Công, Phó trưởng Phòng PA92, Công an tỉnh cho rằng: “Hiện không rõ ai có thẩm quyền để cấp phép, kiểm tra, rồi cơ chế nào để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các điểm, cơ sở này như thế nào?”.

Bố Trạch được biết đến là một trong những địa phương có lực lượng lao động xuất khẩu lớn, chiếm đến hơn 1/3 số lao động xuất khẩu của tỉnh. Đó chính là một trong những động lực làm cho đời sống kinh tế của nhiều địa phương trên địa bàn huyện này ngày càng khởi sắc.

Thế nhưng theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch, hiện nay có nhiều đại lý, doanh nghiệp liên kết với một số công ty, doanh nghiệp ở ngoại tỉnh tổ chức người đi du lịch ở nước ngoài, rồi trốn ở lại lao động và nhiều hình thức môi giới khác. Các đơn vị này thường tổ chức các mạng lưới những người chuyên đi môi giới XKLĐ khá đông. Họ thường kết nối với những người có nhu cầu XKLĐ, hoặc qua quen biết, giới thiệu, mách miệng cho nhau... vì thế, khó kiểm soát được.

Lướt qua một vòng trên địa bàn xã Đại Trạch (Bố Trạch), có một số điểm, văn phòng chuyên tư vấn du học, du lịch, XKLĐ tại rất nhiều nước Châu Á như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và kể cả tại Châu Âu như: Đức, Séc, Anh, Pháp... Thế nhưng, khi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương nơi đây, họ hầu như không nắm, không biết, mặc dù các điểm này vẫn công khai treo biển hiệu. Khi hỏi về thông tin và công tác quản lý đối với một điểm tư vấn này, ông Trần Xuân Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết: “Không biết và không nắm được. Hình như họ có đăng ký từ cấp huyện hay Sở Lao động gì đó”.

Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: “Hành vi môi giới thực chất là lừa đảo. Bởi, nếu muốn về một địa phương nào tuyển dụng người đi XKLĐ, các tổ chức, công ty (ở ngoại tỉnh) đều có văn bản báo cáo với Sở hoặc chính quyền địa phương”.

Ông Đồng cũng thừa nhận: “Trừ các công ty được tỉnh cấp phép, còn các điểm, cơ sở tư vấn XKLĐ thì không thể kiểm soát được. Năm 2017, ngay trước mặt trụ sở của Sở, chúng tôi đã buộc các điểm, cơ sở tháo dỡ các biển hiệu nói trên. Hễ nghe thông tin ở nơi nào có xảy ra lừa đảo, thì chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đến kiểm tra chỗ đó thôi”.

Để kiểm soát và ngăn chặn được các hoạt động giới “cò” mồi, các cơ sở dịch vụ XKLĐ, theo thượng tá Nguyễn Quốc Công, Phó trưởng Phòng PA92, Công an tỉnh, mặc dù có thể những hoạt động “ngầm” và đơn lẻ của giới “cò mồi" sẽ khó phát hiện và kiểm soát, thế nhưng ngay chính các điểm, cơ sở tư vấn dịch vụ XKLĐ, không thể nói là không quản lý được. Người dân có thể tự bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo XKLĐ, một khi họ được tuyên truyền và có đầy đủ thông tin về các công ty, doanh nghiệp được cấp phép hoạt động XKLĐ.

Nhưng họ có nguy cơ sẽ tiếp tục "sập bẫy” lừa đảo ở ngay chính tại các điểm, cơ sở, văn phòng tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu “chui”, khi mà những nơi này hiện vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý của chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng (?!).

Dương Công Hợp

 

 

 


 

,