.

Tái diễn tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động

.
13:27, Thứ Bảy, 31/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hàng năm, cứ vào dịp sau Tết Nguyên đán, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp ngày càng diễn biến phức tạp. Xuất phát từ thực trạng và nắm được tâm lý của người dân địa phương không có việc làm, mong muốn đổi đời, nhiều đối tượng "cò" xuất khẩu lao động đã tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, gây nên nhiều hệ lụy...

 

Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang làm rõ đối tượng Phạm Văn Thắng về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh đang làm rõ đối tượng Phạm Văn Thắng về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Trong tháng 3-2018, tại địa bàn tỉnh ta, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện 3 vụ/5 đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động, làm ăn.

Trong đó, đã ngăn chặn thành công 2 vụ/3 đối tượng tổ chức đưa 9 người đang trên đường ra các tỉnh phía Bắc để xuất cảnh sang Trung Quốc; 1vụ/2 đối tượng móc nối với một đối tượng ở Nghệ An đưa 16 người địa phương xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép.

Đây là những con số bề nổi mà các lực lượng chức năng phát hiện được, bởi trên thực tế việc đưa người trốn sang Trung Quốc lao động trái phép lại diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhất là các đối tượng đóng vai trò tổ chức, cầm đầu.

Khác với những năm trước, thủ đoạn và vai trò của những "cò" lao động bất hợp pháp để xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép đã thay đổi từ việc tác động người dân, hứa hẹn và không tổ chức thu tiền trước như cách thức thường thực hiện trước đó.

Đối với số người có nhu cầu, các đối tượng tổ chức cho người dân bắt xe khách hoặc đặt thuê xe du lịch để chở ra các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, thông báo cách thức và lộ trình đi bằng con đường tiểu ngạch. Còn chi phí được các đối tượng báo trước để mọi người chuẩn bị là từ 5 - 7 triệu đồng và chỉ khi sang được Trung Quốc mới thực hiện việc giao tiền... Do vậy, việc phát hiện và xử lý đối với những đối tượng này hết sức khó khăn.

Nhu cầu lao động, tìm việc làm để tăng thu nhập của người dân là rất chính đáng, nhất là đối với số lao động nhàn rỗi tại các địa phương như ở tỉnh ta. Tuy nhiên, việc xuất cảnh để lao động trái phép tại Trung Quốc đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội và chính gia đình của người đi xuất khẩu lao động trái phép.

Thực tế cho thấy, việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tuy có thu nhập cao hơn trong nước, nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người lao động phải gánh chịu, có trường hợp phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, bởi các lao động không được cấp giấy tờ hợp pháp, phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng nước sở tại, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và môi trường làm việc khắc nghiệt (trung bình phải làm việc từ 12 - 14h/ngày), không được ký hợp đồng lao động và không được hưởng các chế độ bảo hiểm khi đau, ốm hoặc bị tai nạn rủi ro...

Riêng tại địa bàn huyện Bố Trạch, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp ngày càng diễn biếp phức tạp. Trong thời gian từ năm 2014 đến nay, huyện Bố Trạch đã tiếp nhận số công dân bị phía Trung Quốc trục xuất về nước trên 600 trường hợp, có 14 trường hợp chết không rõ nguyên nhân và nhiều trường hợp gia đình có người thân bị phía Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc mới được trao trả...

Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 311 trường hợp đang lao động tại Trung Quốc, trong đó có trên 209 trường hợp lao động tự do, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Hưng Trạch, Xuân Trạch, Hoàn Trạch, Sơn Lộc, Phú Trạch... và số rất ít người lao động hợp pháp theo hợp đồng.

Nguyên nhân mà người dân luôn lựa chọn để trốn sang Trung Quốc lao động trái phép đó chính là chi phí rẻ, không phải mất thời gian chờ đợi và chẳng cần phải làm bất kỳ giấy tờ, thủ tục gì...

Đây là những lý do mà các đối tượng "cò" lao động thường đưa ra để lôi kéo đối với những lao động nhàn rỗi là các gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết, không có việc làm hoặc nghề nghiệp không ổn định. Mới đây, vào ngày ngày 6-3-2018, qua công tác nắm tình hình, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh phối hợp với Phòng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra xe khách mang BKS 37B-011.10 đang lưu thông trên tuyến QL1A đoạn thuộc địa phận xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch phát hiện có khoảng 50 người trên xe đang trên đường ra TP. Móng Cái, Quảng Ninh để xuất cảnh sang Trung Quốc trái phép.

Lực lượng Công an đã thuyết phục được trên 40 người trở về địa phương; đồng thời làm rõ đối tượng Phạm Văn Thắng (SN1971), trú tại thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, có dấu hiệu tổ chức cho 5 người ở các địa phương như xã Sơn Trạch, xã Phúc Trạch, xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) xuất khẩu lao động sang Trung Quốc trái phép.

Theo cơ quan chức năng khuyến cáo, ngoài tỷ lệ rủi ro cao đối với những lao động bất hợp pháp thì những hệ lụy của nó gây ra đối với xã hội là rất lớn, bởi rõ ràng đây là việc làm vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến ANTT và quy chế bảo vệ biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập là hết sức chính đáng, tuy nhiên nhiều người dân chưa nhận thức đầy đủ và bị lôi kéo của những kẻ xấu, mơ ước đổi đời đã bỏ qua đi những cơ hội xuất khẩu lao động hợp pháp tại các trung tâm dịch vụ có uy tín, để rồichọn con đường xuất cảnh trái phép với nhiều rủi ro gây ra những hệ lụy đáng lo ngại cho gia đình mình và xã hội.

Trần Tuấn




 

,