.

Ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em: Cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong giới trẻ

.
08:47, Thứ Năm, 01/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây, những vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn trên địa bàn cả nước (trong đó có nhiều vụ hiếp dâm trẻ em) liên tiếp xảy ra gây nhức nhối trong xã hội. Ở Quảng Bình, tuy các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em chưa “nóng” như các địa phương khác nhưng vẫn không thiếu những hồi chuông cảnh báo đến mỗi gia đình và toàn xã hội.

Bởi với nhiều gia đình có người nhà là nạn nhân, nỗi đau ấy trở nên nặng nề, tức tưởi còn với cơ quan chức năng, đây là một sự thách thức, một cuộc chiến đầy khó khăn.

Theo lời kể các điều tra viên Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Quảng Bình, một trong những vấn đề nổi cộm của nạn hiếp dâm đó là nhận thức của cả bị can lẫn bị hại về việc hiếp dâm quá đơn giản. Nhiều bị can cho rằng đó chỉ là những hành vi đơn thuần, không vi phạm pháp luật. Một số bị hại lo lắng, sợ hãi mà không báo với gia đình, đặc biệt nhiều cháu quá bé, chưa nhận thức được chuyện gì xảy ra với mình. Chính từ việc các nạn nhân của các vụ hiếp dâm trẻ em còn quá bé nên các em không có khả năng tự vệ hay nhận biết sự việc.

Điển hình như trường hợp của cháu bé Đ.T.T sinh năm 2009, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới. Ngày 28-12-2017, khi bé đi học về, trong gia đình không có ai thì bị đối tượng Đào Văn Bằng, sinh năm 1998 ở cùng thôn khống chế, dùng vũ lực thực hiện hành vi giao cấu. Ngày 7-1-2018, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam đối với Đào Văn Bằng về hành vi hiếp dâm.

Điều đặc biệt trong vụ án này là gia đình của bị can lẫn bị hại đều thuộc diện hộ nghèo của thôn. Bị hại còn quá nhỏ để nhận biết được việc gì đã xảy ra, chỉ đến khi sự việc được kể lại cho người thân trong gia đình biết thì đối tượng Đào Văn Bằng mới bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Có nhiều vụ hiếp dâm lại xuất phát từ quan hệ nam nữ, yêu đương trẻ con nên phần lớn bị can không biết được hệ quả mà mình phải gánh chịu. Còn bị hại thì nhận thức kém về vấn đề giới tính, dễ dãi trong các mối quan hệ. Điển hình như vụ án Lê Văn Nhân, hiếp dâm trẻ em.

Do quen biết nhau qua mạng xã hội Facebook, Lê Văn Nhân, sinh năm 2000, trú tại xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn và T.T.N, sinh năm 2004, trú tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn nảy sinh tình cảm yêu đương. Chiều ngày 1-5-2017, Lê Văn Nhân điều khiển xe mô tô chở T.T.N đi về phường Ba Đồn chơi, đến 19h30 phút cùng ngày cả hai đi vào bờ kênh thuộc phường Quảng Phong ngồi tâm sự rồi thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Hành vi của Nhân bị phát giác khi người thân của T.T.N đi tìm và được T.T.N kể lại mọi chuyện.

Mặc dù khi Lê Văn Nhân giao cấu với T.T.N bằng sự đồng thuận, nhưng vào thời điểm đó, T.T.N mới 12 tuổi 6 tháng 15 ngày. Vì vậy, việc Lê Văn Nhân giao cấu với người dưới 13 tuổi đã phạm vào tội “Hiếp dâm trẻ em”, được quy định tại Điều 112, Bộ luật Hình sự.

Trong các vụ án hiếp dâm, đa số các đối tượng vi phạm đều ở vùng nông thôn, nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi hiếp dâm còn hạn chế. Các đối tượng đang ở lứa tuổi vị thành niên, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, một trong những cái “khó” trong việc ngăn chặn các vụ hiếp dâm là công tác tuyên truyền về ý thức tự phòng, chống hoặc khai báo ngay với cơ quan chức năng khi có sự vụ xảy ra. Đầu tiên là khó ở tâm lý nạn nhân và người nhà. Nhiều gia đình khi có con em bị hiếp dâm đã không báo cho cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng chuyện học hành, tương lai sau này của con em mình.

Khó nữa là hầu hết các vụ xử án hiếp dâm là xử kín nên việc thông tin rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân về các mức phạt, án phạt gặp khó khăn. Hầu hết các vụ việc hiếp dâm xảy ra, các hung thủ gây án đều có học thức thấp, nghề nghiệp không ổn định, lêu lổng, rượu bia, nghiện game, thường hay xem phim sex...

Trong thời gian tới, để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, thiết nghĩ, các lực lượng chức năng cần tập trung điều tra, sớm làm rõ các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra để truy tố, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nhằm răn đe chung trong xã hội; thường xuyên tuyên truyền về những phương thức, thủ đoạn phạm tội, các biện pháp phòng ngừa đấu tranh đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền pháp luật trong giới trẻ, phải có sự quản lý chặt chẽ các đối tượng lứa tuổi thanh thiếu niên bỏ học, không nghề nghiệp, tụ tập rượu chè, có nguy cơ dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Ngọc Oanh
 

,