.

Tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp

.
12:06, Chủ Nhật, 07/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo đánh giá của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, mặc dù số lượng vụ án khởi tố mới trong năm 2017 có giảm so với năm 2016, tuy nhiên tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn những diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần có các biện pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm một cách có hiệu quả.

Theo thống kê, năm 2017, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 421 vụ (590 bị can), giảm 24 vụ (67 bị can) so với năm 2016. Hầu hết các nhóm tội phạm đều giảm như: tội phạm về tham nhũng và chức vụ; tội phạm xâm phạm quản lý kinh tế, môi trường; tội phạm xâm phạm quyền sở hữu; tội phạm về trật tự an toàn xã hội; tội phạm về ma túy...

Tuy vậy, số lượng giảm vẫn chưa sâu, trong khi các hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Các loại phạm tội xảy ra nhiều và phổ biến vẫn chủ yếu về tội cố ý gây thương tích, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản...

Điều đáng chú ý đó là, tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa. Tỷ lệ người tội phạm trong độ tuổi chưa thành niên những năm gần đây ngày càng tăng. Riêng năm 2017 này tăng 2,2% so với năm 2016. Đây là thực trạng đáng lo ngại cho xã hội, cho thấy vẫn có một khoảng trống lớn trong việc quản lý, giáo dục những người trẻ. Đáng kể là sự xâm nhập ngày càng sâu rộng và phổ biến của các tệ nạn xã hội, trong đó nguồn cơn dẫn đến các hoạt động tội phạm vẫn chủ yếu vì ma túy.

Các đối tượng tội phạm ngày càng trẻ hóa.
Các đối tượng tội phạm ngày càng trẻ hóa.

Năm 2017, tuy tình hình tội phạm về ma túy không tăng về số vụ (42 vụ/47 bị can), nhưng địa bàn hoạt động của các đối tượng ngày càng mở rộng. Các đối tượng bị phát hiện và bắt giữ đều tàng trữ số lượng ma túy (các loại) rất lớn.

Ông Đoàn Tiến Dũng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Hới cho biết, mặc dù bức tranh tội phạm năm 2017 trên địa bàn thành phố có giảm so với năm 2016, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp.

Trong năm, cơ quan chức năng thành phố khởi tố mới 78 vụ (102 bị can), tăng 7 vụ (5 bị can so với năm trước). Tội phạm hình sự xảy ra trên nhiều lĩnh vực, vẫn còn đối tượng là người chưa thành niên, người có tiền án, tiền sự.

Đáng chú ý trong số các đối tượng người chưa thành niên chủ yếu là học sinh đã bỏ học, bị rủ rê phạm tội. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thực hiện ở nhiều địa bàn liên huyện, chứ không chỉ gói gọn trong một địa bàn. Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Nhóm tội phạm về ma túy có chiều hướng giảm về số vụ, số bị can, song tình hình tàng trữ, mua bán ma túy tổng hợp, ma túy đá, hồng phiến, hê-rô-in... với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đối tượng phạm tội chủ yếu là người nghiện, có tiền án, ngày càng liều lĩnh và manh động. Nguyên nhận là do sự xuống cấp về đạo đức lối sống của một số thanh niên nghiện ma túy, một số đối tượng sau khi chấp hành xong hình phạt về địa phương lại tái phạm.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, các loại hình kinh doanh dịch vụ diễn ra ngày càng sôi động, kéo theo đó là các loại tội phạm mang tính chất băng, ổ, nhóm trỗi dậy hoạt động. Mặc dù trên địa bàn tỉnh ta chưa xuất hiện các tổ chức tội phạm hoạt động có tổ chức, dưới hình thức các băng, ổ, nhóm xã hội đen, song những năm trở lại đây đã có tình trạng các nhóm thanh niên cấu kết với nhau và gây ra nhiều vụ án chấn động dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.

Sự xuất hiện của các loại tội phạm theo kiểu băng, ổ, nhóm đã ảnh hưởng và đe dọa rất lớn đến tình hình trật tự an ninh xã hội. Nguy hiểm hơn, mỗi khi thực hiện các hành vi phạm tội, các nhóm tội phạm này thường rất hung hãn và liều lĩnh, bất chấp luật pháp và dư luận. Chúng sẵn sàng sử dụng những hung khí “nóng” nguy hiểm để “thanh toán” lẫn nhau, đe dọa đến tính mạng của người khác.

Theo thống kê, năm 2017, cơ quan chức năng đã triệt phá 54 ổ, nhóm phạm tội. Đại tá Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết, công tác đấu tranh với các loại tội phạm này không hề đơn giản. Bởi chúng hoạt động khá bí mật và kín đáo, chỉ khi cần thiết mới tập hợp lại với nhau để thực hiện các hành vi phạm tội. Mặt khác, những người bị hại lại không dám tố cáo các hành vi đe dọa của các đối tượng này.

Cũng theo đại tá Phạm Hữu Tân, các nhóm tội phạm này tồn tại, cấu kết với nhau, hoạt động dưới nhiều hình thức như: bảo kê tại các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke tại các vùng trung tâm buôn bán, kinh doanh hoặc những địa điểm khai thác khoáng sản. Thực tế, có không ít các cơ sở kinh doanh cấu kết, “bắt tay” với các nhóm tội phạm để thực hiện các hành vi đòi nợ thuê.

Nguy hiểm hơn, họ còn sử một số đối tượng trong các nhóm này như là “tấm vé bảo hiểm” cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài ra, các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cờ bạc, cầm đồ, đấu giá... cũng có “bàn tay” bảo kê của các nhóm tội phạm này. Mặc dù tổ chức còn đơn giản, lỏng lẻo và hoạt động không thường xuyên, song loại tội phạm này có những mối liên hệ cộng sinh khá mật thiết và sự bắt tay ngấm ngầm khá chặt chẽ với những cơ sở kinh doanh, làm ăn.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp chính là những nguy cơ tiềm ẩn, tiềm tàng có thể xảy ra các hành vi phạm tội. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm hiện nay vẫn còn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục như: sự vào cuộc của một số cơ quan, tổ chức, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm thiếu quyết liệt, còn hình thức; công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn hạn chế; hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở một số địa phương thiếu thường xuyên.

Vì vậy, để ngăn ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, thiết nghĩ cùng với sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm của lực lượng chức năng, cần phải tăng cường công tác giáo dục, răn đe, quản lý của gia đình đối với con em mình. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở.

Dương Công Hợp



 

,