.
Phòng, chống tham nhũng:

Tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Chủ Nhật, 24/09/2017, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngày 31-8-2017 UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 1593/CTr-UBND về thực hiện giai đoạn III Chiến lược quốc gia PCTN (2016 - 2020)  tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính về PCTN cụ thể như sau:

Đối với công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN: tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm cao trong hành động.

Mở chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, khuyến khích các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã mở chuyên mục PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên trang thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật thông tin.

Báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đăng tải, phát thanh, truyền hình các tin, bài, phóng sự... mang nội dung thông tin về những giải pháp, những nhân tố tích cực, điển hình có thành tích và kịp thời phê phán các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

UBND tỉnh yêu cầu phải công khai, minh bạch các quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh yêu cầu phải công khai, minh bạch các quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật.

Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, lấy hiệu quả của công tác PCTN làm một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình tham nhũng trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Tiếp tục nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Đặc biệt là Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc hoàn thiện thể chế, tập trung vào các lĩnh vực: Minh bạch hóa quá trình soạn thảo và ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; quá trình chuẩn bị, ban hành các văn bản hành chính gắn liền với việc cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế người phát ngôn của cơ quan nhà nước; các quy định, quy trình thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, bảo đảm 100% các đơn vị có các quy định, quy chế công khai trong cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTN về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức ở tất cả các ngành, các cấp và trong các lĩnh vực nhất là trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công khai, minh bạch các quyết định trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tập trung vào các vấn đề sau: Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công gắn với kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; nâng cao chế độ trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán.

Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử: tiếp tục  triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 28-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Trong đó, tập trung triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm; nâng cao chất lượng thanh tra, kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng để kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng, có biện pháp kiên quyết để xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao hiệu lực thi hành.

Chủ động xác định những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng. Trong đó, cần chú trọng tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, việc thực hiện pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo về tham nhũng, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Khen thưởng kịp thời, xứng đáng những tập thể, cá nhân có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng; tiếp nhận, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống người khác.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Có chế độ, bồi dưỡng, đãi ngộ hợp lý, đồng thời tăng cường chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả vai trò giám sát trong công tác PCTN, lãng phí với việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN, lãng phí. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đề cao vai trò của mình trong công tác PCTN, lãng phí. Phát huy vai trò của báo chí, đài phát thanh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác trong công tác PCTN, lãng phí.

Để làm tốt điều đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức có kế hoạch bảo đảm việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về các vụ việc tham nhũng, lãng phí cho các cơ quan báo chí theo đúng quy định của pháp luật. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong PCTN thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ.

Đ.T