.

Nỗ lực thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 02/09/2017, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngày 31-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 1593/Ctr-UBND về thực hiện giai đoạn III Chiến lược Quốc gia PCTN (2016 - 2020) tỉnh Quảng Bình.

Chương trình hành động được ban hành nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

Mục tiêu cụ thể là của chương trình hành động là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia PCTN giai đoạn từ 2016 - 2020 phù hợp với tình hình của địa phương, từng cơ quan, đơn vị nhằm ngăn chặn, đẩy lùi điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực; không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý vụ việc tham nhũng; nâng cao trách nhiệm, vai trò và sự tham gia của tổ chức, đoàn thể xã hội, phương tiện truyền thông, mọi công dân trong công tác PCTN; hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực trong quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, vai trò của xã hội về tham nhũng cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong PCTN; thúc đẩy sự tham gia của tổ chức, đoàn thể xã hội, phương tiện truyền thông, mọi công dân trong nỗ lực PCTN; xây dựng văn hóa, tạo thói quen PCTN trong đời sống của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.

Chương trình đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện giải pháp có hiệu quả trong 2 giai đoạn trước, bổ sung giải pháp mới được đúc rút qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược Quốc gia PCTN; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCTN; các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai đồng bộ, kịp thời biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác PCTN, gắn với xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; xây dựng lực lượng cán bộ, công chức trong khối Nội chính, cán bộ chuyên trách PCTN đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp vững vàng làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng; thực hiện xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các vụ tham nhũng.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2016 - 2020 đạt hiệu quả.                       

A.T