.

Án hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tăng cao: "Tại cả đôi bên"

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, số vụ việc hành chính liên quan đến khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND các cấp trong lĩnh vực quản lý đất đai 6 tháng đầu năm 2017 tăng đột biến. Tuy nhiên, hầu hết các khởi kiện của người dân đều bị Tòa án bác đơn.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng thụ lý 31 vụ (tăng 24 vụ so với 6 tháng đầu năm 2016). Trong đó, chủ yếu là các khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND các cấp trong việc giải quyết tranh chấp ở lĩnh vực quản lý đất đai. Tuy nhiên, phần lớn các vụ khiếu kiện đều bị Tòa án bác bỏ do những đòi hỏi vô lý, trái với các quy định pháp luật của phía nguyên đơn.

Điển hình như vụ án khởi kiện hành vi hành chính giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Bình (ở tổ dân phố 11, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới) và bị đơn là UBND thành phố Đồng Hới. Theo đơn, ông Bình trình bày, ngày 24-5-1993, gia đình ông được UBND thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích 1.750m2, tại tờ bản đồ số 4, thửa đất 320 (trong đó có 300m2 đất ở và 1.450m2 đất vườn). Năm 2001, qua đo lại thực tế thửa đất của gia đình ông tăng lên 2.032,5m2.

Ông cho rằng, trong khi diện tích đất của gia đình ông tăng lên nhưng GCNQSDĐ cấp năm 2006 vẫn giữ nguyên diện tích đất ở lâu dài là 300m2 là không hợp lý. Vì vậy, ông đã làm đơn yêu cầu được khôi phục lại GCNQSDĐ đã cấp trước đây và đã được UBND thành phố Đồng Hới trả lại.

Tiếp đó, ông đã làm hồ sơ đăng ký biến động đất theo diện tích thực tế đo lại năm 2001 và đề nghị tách thành 4 thửa, mỗi thửa có diện tích 300m2 đất ở. Tuy nhiên, UBND thành phố Đồng Hới không chấp nhận yêu cầu này, nên ông khởi kiện ra tòa yêu cầu được tách thửa.

Tại phiên tòa, đơn khởi kiện của ông Bình đã bị Tòa án bác đơn, với lý do ông đã được cấp GCNQSDĐ, trên giấy ghi rõ diện tích đất ở, diện tích đất vườn. Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định 43/NĐ-CP, ngày 15-5-2014, những trường hợp được cấp GCNQSDĐ trước ngày 1-7-2014, thì diện tích đất ở được xác định là diện tích ghi trên GCNQSDĐ. Như vậy, đối với trường hợp của ông, diện tích đất ở được xác định là 300m2.

Nếu ông muốn tách mảnh đất nói trên thành 4 thửa, mỗi thửa đều có diện tích đất ở 300m2, thì ông phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Vụ việc này sau đó cũng bị Tòa cấp cao bác đơn kháng nghị.

Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc để phát sinh khiếu kiện là do một số quyết định của UBND các cấp còn thiếu chính xác. Ví như vụ khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Hợp (ở tổ dân phố Đồng, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) và người bị kiện là Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn.

Một phiên tòa giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Một phiên tòa giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Theo đơn khởi kiện và giải trình của bà Nguyễn Thị Hợp, ngày 15-5-2014, UBND thị xã Ba Đồn đã ra Quyết định số 231/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 232/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án đền bù về đất của 46 hộ gia đình, cá nhân để giải phóng mặt bằng công trình mở rộng Quốc lộ 1A (đợt 6) tại phường Quảng Thuận, trong đó có hộ gia đình của bà Nguyễn Thị Hợp.

Theo đó, đất của hộ gia đình bà Hợp bị thu hồi là 434,9m2 và được xác định là đất bằng trồng cây hàng năm khác (BHK), với mức giá đền bù là 35.000 đồng/m2. Không nhất trí với nội dung của 2 quyết định trên, ngày 31-8-2015 bà Hợp đã làm đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND  thị xã Ba Đồn. Ngày 30-12-2015, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn đã ban hành Quyết định số 3178/QĐ-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà.

Sau đó, bà Hợp đã làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy Quyết định số 3178/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, và buộc UBND thị xã Ba Đồn xác định lại loại đất đã thu hồi của gia đình bà là loại đất ở đô thị thay cho đất bằng trồng cây hàng năm khác, đồng thời điều chỉnh tăng giá trị bồi thường từ 35.000 đồng/m2 lên giá 2.900.000 đồng/m2, với lý do, đất vườn, ao thu hồi của gia đình bà có đầy đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Hơn nữa, trong phần phụ lục tổng kèm theo Quyết định số 231/QĐ-UBND, ngày 15-5-2014 của UBND thị xã Ba Đồn có ghi loại đất của bà là đất vườn trong cùng thửa đất ở nên phải bồi thường theo giá đất ở đô thị.

Qua xem xét, đối chiếu với những quy định, các văn bản pháp luật liên quan và hồ sơ cấp đất của bà Hợp, TAND tỉnh nhận thấy: diện tích 434,9m2 đất bị thu hồi này đều nằm trong chỉ giới hành lang giao thông. Theo quy định, đất thuộc hành lang giao thông sẽ không được cấp cho cá nhân, tổ chức nào và khi Nhà nước thu hồi đất không phải bồi thường.

Tuy nhiên, xét quá trình sử dụng, bà Hợp đã dùng để trồng hoa màu, UBND thị xã  Ba Đồn đã áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo các quy định hiện hành để đền bù cho bà Hợp theo loại đất trồng cây lâu năm với giá 35.000 đồng/m2 và hỗ trợ 50% giá đất ở là có căn cứ và không làm thiệt thòi về quyền lợi cho gia đình bà. Hội đồng xét xử  TAND tỉnh đã quyết định bác đơn khởi kiện của bà Hợp. Sau đó, bà Hợp tiếp tục kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng, nhưng tại đây đơn khởi kiện của bà một lần nữa bị bác bỏ.

Riêng trong vụ việc này, cũng cần nói thêm rằng, nguyên nhân phát sinh khiếu kiện một phần là do sự thiếu chính xác trong việc xác định loại đất để đền bù của UBND thị xã Ba Đồn. Cụ thể, trong phần ghi chú của phụ lục tổng Quyết định 231/QĐ-UBND, ngày 15-5-2014 của UBND  thị xã Ba Đồn ghi loại đất vườn trong cùng thửa đất ở là không đúng. Từ chú thích không đúng này, bà Hợp cho rằng bà phải được bồi thường đất vườn theo giá đất ở đô thị, vì lẽ đó nên bà mới khởi kiện ra Tòa án.

Trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, các quyết định hành chính của UBND các cấp còn chưa chính xác là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các khiếu kiện hành chính liên quan đến đất đai tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là công tác đối thoại, hòa giải khi phát sinh các khiếu nại ở cấp huyện còn chưa được chú trọng. Hoặc nếu có thì cũng chỉ mang tính hình thức, dẫn đến không thuyết phục người khiếu kiện. Bởi thực tế, có nhiều trường hợp, sau khi khởi kiện và  được Tòa án hòa giải, giải thích họ đã nhận thức được vấn đề và rút đơn khởi kiện.

Theo bà Trần Thị Trung, Trưởng phòng Kiểm sát án Hành chính, Lao động, kinh doanh-thương mại (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) thì, nguyên nhân dẫn đến số án hành chính liên quan đến đất đai tăng cao là do người dân không đồng tình với các quyết định hành chính của UBND các cấp, đặc biệt cấp huyện về việc thu hồi đất, giá cả bồi thường và việc cấp GCNQSDĐ.

Ngoài ra, lý do khiến cho các vụ án hành chính tăng cao là vì, từ khi có Nghị quyết 01/2015/NQ-HĐTP, ngày 15-1-2015 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Tố tụng Hành chính có quy định, các quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh giữ nguyên quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, đối tượng vẫn được khởi kiện ra tòa...

Dương Công Hợp