.

Thi hành Luật hòa giải ở cơ sở: Thực tiễn và kiến nghị

Thứ Hai, 26/06/2017, 09:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua năm 2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014, qua 3 năm triển khai thực hiện luật này ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Qua 3 năm thực hiện, Luật hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta đã tác động tích cực trong đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả. Mạng lưới tổ hoà giải không ngừng được củng cố, mở rộng ở khắp các làng, bản, thôn, xóm, tiểu khu, khu phố và các cụm dân cư, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn...

Qua đó, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.

Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh...

Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hội thi “Hoà giải viên giỏi” là một trong những hình thức tuyên truyền đơn giản, thiết thực và hiệu quả.
Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hội thi “Hoà giải viên giỏi” là một trong những hình thức tuyên truyền đơn giản, thiết thực và hiệu quả.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.408 tổ hòa giải với 8.882 hòa giải viên. Các tổ hoà giải được cơ cấu đầy đủ thành phần như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, già làng, trưởng bản, Trưởng ban Mặt trận, Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực được lựa chọn...

Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hoà giải còn có người dân tộc thiểu số. Mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 tổ viên, đa số có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, trong đó có 136 hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật. 3 năm qua, các tổ hòa giải, hoà giải viên trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý 6.865 vụ việc, trong đó hòa giải thành 5.958 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,8%; hòa giải không thành 750 vụ việc...

Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật hoà giải ở cơ sở vẫn còn một số vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ, đó là: Luật chưa phân định rạch ròi giữa hòa giải ở cơ sở và hòa giải tại UBND phường nên một số địa phương cho rằng hòa giải tại UBND cấp xã (như tranh chấp đất đai) cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật và thuộc trách nhiệm của tổ hòa giải nên dẫn đến đùn đẩy, kéo dài gây khó khăn cho người dân khi có yêu cầu thụ lý giải quyết.

Bên cạnh đó, luật chỉ quy định khi nhận được yêu cầu hoặc khi biết vụ việc thuộc phạm vi hòa giải thì hòa giải viên tiến hành hòa giải mà chưa quy định cụ thể thời hạn tiến hành hòa giải cho từng vụ việc cụ thể, luật cũng chưa có quy định về giới hạn số lần hòa giải không thành tối đa cho mỗi vụ việc, nếu không đạt kết quả hòa giải thành thì phải chuyển đến cơ quan chức năng giải quyết nhằm tạo thuận lợi để các bên giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Ngoài ra, luật chưa quy định thiết chế hòa giải tranh chấp, mâu thuẫn trong một cơ quan tổ chức cụ thể. Vẫn còn để ngỏ một hình thức tổ chức hòa giải mà một số quốc gia đã và đang áp dụng có hiệu quả, đó là trung tâm hòa giải cộng đồng.

Quá trình thực thi Luật hòa giải ở cơ sở cũng cho thấy, hiệu lực của thỏa thuận hòa giải trong hòa giải ở cơ sở chưa cao, các bên hòa giải có thể thay đổi không thực hiện theo thỏa thuận nên đã dẫn đến tình trạng hạn chế việc sử dụng phương pháp này... Tuy nhiên, vừa qua, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Triển khai quy định này, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL, ngày 5-5-2017 hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở...

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, thì một trong những vấn đề quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng công tác hòa giải đó chính là kinh phí. Theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở thì kinh phí hoạt động của các tổ hòa giải do ngân sách nhà nước cấp.

Mặc dù ở tỉnh ta từ năm 2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2012/NQ-HĐND, ngày 12-7-2012 và đến năm 2015 được thay thế bằng Nghị quyết số 106/2015/NQ-HĐND, ngày 17-7-2015 quy định nội dung chi, mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp; công tác hòa giải ở cơ sở; công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này được UBND tỉnh cụ thể hoá bằng Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND, ngày 25-9-2015 nhưng do tỉnh ta là một trong những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, nên việc bố trí kinh phí riêng cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa có hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, thiết nghĩ để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sớm tham mưu bố trí kinh phí công tác hoà giải ở cơ sở cho các địa phương chưa tự chủ được về kinh phí theo quy định tại  Điều 6 Luật hoà giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, ngày 27-2-2014 của Chính phủ...

Ngọc Hải-Tuyết Hà