.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Những kết quả tích cực

Chủ Nhật, 21/05/2017, 16:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước: Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trong quản lý, sử dụng Ngân sách nhà nước (NSNN), thực hiện sắp xếp các dự toán chi được giao để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên được giao của một số tháng cuối năm.

Trong giai đoạn 2007-2015 cả nước đã tiết kiệm chi NSNN được trên 90.794 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2006-2015 các cơ quan, tổ chức thuộc ngành Tài chính thực hiện 347.136 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác điều hành, quản lý và sử dụng kinh phí NSNN. Đã phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về tài chính 94.315 tỷ đồng và 6.241.443 USD.

Nhiều khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã được Kho bạc Nhà nước phát hiện, từ chối thanh toán 2.898 tỷ đồng chi thường xuyên và 1.906 tỷ đồng chi đầu tư xây dựng, phạt vi phạm hành chính 4.457 trường hợp, số tiền phạt 1.120 triệu đồng.

Trong mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước: Công tác mua sắm, quản lý và sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN đã dần đi vào nền nếp. Việc thí điểm mua sắm tài sản, hàng hóa từ NSNN theo phương thức tập trung được triển khai thực hiện tại 25 Bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia, thu được những kết quả tích cực bước đầu.

Từ năm 2008 đến năm 2012, số tiền tiết kiệm được thông qua mua sắm tài sản tập trung là trên 467 tỷ đồng. Từ năm 2016 việc mua sắm tài sản tập trung tiếp tục được triển khai mở rộng hơn theo Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg, ngày 26-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tình trạng mua sắm, trang bị phương tiện, trang thiết bị làm việc vượt tiêu chuẩn, định mức dần được khắc phục.

Từ năm 2015, thực hiện các quy định mới về tiêu chuẩn, định mức, chế độ trang bị, sử dụng xe ô tô công, xe ô tô dùng chung tại mỗi cơ quan, đơn vị chỉ còn từ 1 đến 2 chiếc; dự kiến số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung sau khi sắp xếp lại theo quy định sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc, sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc bán, thu tiền nộp NSNN.

Trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng: Từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư đã được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch. Công tác kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư được tăng cường, góp phần chấn chỉnh tình trạng vi phạm, gây lãng phí trong đầu tư công. Công tác thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư được đẩy mạnh, giúp loại bỏ khỏi giá trị quyết toán các khoản chi sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Trong giai đoạn 2007-2015, qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư 400.844 dự án trong cả nước, đã phát hiện, giảm trừ các khoản đề nghị quyết toán không đúng chế độ trên 24.583 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn; việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản đã có chuyển biến tích cực, nợ đọng giảm đáng kể so với trước. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến ngày 31-5-2015 ước khoảng 86.995 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ,ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, tính đến hết tháng 12-2015, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 154.679 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích đất khoảng 3.006 triệu m2 và diện tích nhà 139,4 triệu m2.

Các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 123.413 cơ sở, với tổng diện tích đất 1.965,7 triệu m2 đất; tổng diện tích nhà 115 triệu m2. Tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các địa phương trên phạm vi cả nước là trên 35 nghìn tỷ đồng.

Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên: Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị số 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được quan tâm triển khai thực hiện.

Từ năm 2010 đến năm 2013, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 8.161 tổ chức có vi phạm pháp luật về đất đai với diện tích đất bị vi phạm là 128.033 ha, giúp hạn chế lãng phí do giao đất, sử dụng đất sai mục đích, sai quy định hoặc để đất hoang hóa. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất tràn lan trước đây đã dần được khắc phục; sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực, bảo đảm đưa đất vào sử dụng, không để bỏ hoang, gây lãng phí.

Công tác thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản được tăng cường, góp phần phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm gây lãng phí. Riêng năm 2012 Bộ TN-MT đã chủ trì tổ chức 6 đợt kiểm tra trên quy mô toàn quốc, đã phát hiện và  thu hồi khoảng 200 giấy phép khai thác khoáng sản do các địa phương cấp sai quy định...

Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động khu vực nhà nước: Việc tổ chức thực hiện Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã đạt được những kết quả tích cực trên các nội dung: Đến hết năm 2015, Bộ Nội vụ đã thẩm định và phê duyệt Danh mục vị trí việc làm của 63/63 địa phương và một số bộ, ngành; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức (Đã ban hành được 59 tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức; quy định 37 bộ tiêu chuẩn cho 113 chức danh nghề nghiệp của viên chức); nâng cao chất lượng thi tuyển, thi nâng ngạch công chức; đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, để nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ; thực hiện chính sách tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đến năm 2015, đã có 14 bộ, ngành, 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 và 1 bộ, 13 tỉnh, thành phố đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số đối tượng tinh giản là 5.433 người.

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, rút dần vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính và có nhiều rủi ro. Giai đoạn 2011-2015 các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính 10.742 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục thoái vốn được 424 tỷ đồng. Công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. 

Giai đoạn 2006-2010 đã cổ phần hóa được 646 doanh nghiệp; giai đoạn 2011-2015 và 6 tháng đầu năm 2016 có 531 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, đã thực hiện cổ phần hóa 478 doanh nghiệp. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được tích cực triển khai thực hiện và thu được một số kết quả tích cực.

Phòng Bạn đọc
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)