.
Phòng, chống tham nhũng:

Thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Chủ Nhật, 02/04/2017, 14:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) và Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 21-2-2017 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngày 22-3-2017 UBND tỉnh đã ban hành Chương trình về thực hiện Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 21-2-2017 của Tỉnh ủy. Nội dung chương trình nêu rõ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai và thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp  trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, lãng phí:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2017 nói chung và pháp luật về PCTN, lãng phí nói riêng của tỉnh đã ban hành; các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, bảo đảm tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và hiểu rõ các quy định pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Mở chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, khuyến khích các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã mở chuyên mục PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên trang thông tin điện tử và thường xuyên cập nhật thông tin.

Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng và tổ chức các chương trình văn nghệ, các vở kịch ngắn mang nội dung thông tin về những giải pháp, những nhân tố tích cực, điển hình có thành tích và kịp thời phê phán các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục triển khai, phát động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác PCTN, lãng phí; tăng cường công tác phê bình, tự phê bình, thực hiện nghiêm quy định những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Gắn công tác PCTN, lãng phí với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

3. Thực hiện cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác PCTN, lãng phí:

- Dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện tuyển dụng thông qua thi tuyển; đưa việc chấp hành quy định pháp luật và kết quả PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào tiêu chí đánh giá kết quả công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và mỗi cán bộ, công chức, viên chức; làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ, công chức khi quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo; điều chuyển, thay thế và xử lý những cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định chức trách của từng vị trí công tác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện chức trách, đánh giá cán bộ, công chức và trách nhiệm trong việc để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tăng cường giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong việc cưới, việc tang, mừng nhà mới, nhậm chức, tổ chức sinh nhật, việc nhận bằng cấp, học hàm, học vị, danh hiệu thi đua, khen thưởng.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác quản lý; kiên quyết thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố bộ phận chức năng và đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu và thực hiện công tác PCTN, đảm bảo đội ngũ cán bộ liêm chính, có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết trong công tác đấu tranh PCTN.

4. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định:

Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản thu nhập theo quy định tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP, ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ.

Đặc biệt phải kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung về quản lý bản kê khai; kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, những khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; thực hiện xử lý nghiêm việc xử lý đối với người kê khai không trung thực theo đúng quy định của pháp luật.

Phòng Bạn đọc

(Còn nữa)