.

Nói không với hàng giả, hàng lậu

Thứ Bảy, 18/03/2017, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn đang diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để ngăn ngừa thực trạng này, nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân là rất quan trọng trong việc chung tay bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.

Hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp

Năm 2016, sự cố môi trường biển và lũ lụt đã làm cho tình hình kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều khó khăn, bất ổn. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có nguồn gốc từ nước ngoài không qua kiểm định chất lượng diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng trên địa bàn TP. Đồng Hới.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Thực tế, hiện nay, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vẫn xảy ra đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa, hành khách xuất nhập cảnh, với thủ đoạn gia cố hầm hàng, ghế ngồi của phương tiện hoặc lợi dụng các mặt hàng nhập khẩu cồng kềnh để cất giấu hàng lậu. Tang vật vi phạm chủ yếu là pháo nổ các loại, chất nổ, gỗ.

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua cửa khẩu, biên giới cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường khiến cho việc phát hiện, bắt giữ cũng như xác định đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Trên tuyến đường bộ, các đối tượng vận chuyển hàng hóa bằng nhiều phương tiện. Việc vận chuyển được tổ chức chặt chẽ, có sự chuẩn bị, tính toán đến các phương án đối phó với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

Trong thị trường nội địa, hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả tuy không nhiều và không bày bán công khai nhưng cũng khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hàng hóa nhập lậu, hàng cấm được cất giấu trong nhà ở, trong các quầy hàng, cửa hàng, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra bắt giữ.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Trong năm 2016, các hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng diễn biến khá phức tạp. Hàng hóa vi phạm được vận chuyển chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng có giá trị, thuế suất nhập khẩu cao, lợi nhuận chênh lệch lớn như: gỗ, vải, áo quần may sẵn, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, đồ điện, mỹ phẩm... Thủ đoạn vận chuyển tinh vi và luôn có phương án đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng”.

Chung tay chống hàng giả

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý các đối tượng. Trong năm 2016, lực lượng chức năng đã kiểm tra, kiểm soát, xử lý 2.852 vụ (tăng 59 vụ so với năm 2015), trong đó, số vụ vi phạm xử lý hành chính 2.789 vụ, số vụ vi phạm bị xử lý hình sự 63 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, tiền bán hàng tịch thu, tiền truy thu thuế và trị giá hàng tịch thu chưa bán khoảng 45,8 tỷ đồng.

Trong quý I năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã thực hiện 243 lượt kiểm tra, phát hiện 169 vụ vi phạm, đã xử lý 186 hành vi vi phạm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng tịch thu chưa bán và trị giá hàng tịch thu tiêu hủy hơn 2,3 tỷ đồng.

Các ngành chức năng nhận định, thời gian tới, lợi dụng sự biến động của thị trường, các kẽ hở trong cơ chế chính sách (chính sách đầu tư, sản xuất, xuất khẩu)..., các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, các loại tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy, động vật hoang da... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Tại cuộc họp tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu lực lượng chức năng bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để tập trung triển khai thực hiện các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn trọng tâm, trọng điểm như: Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường Hồ Chí Minh, cảng Hòn La, cảng Gianh, TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn..., tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng nổi cộm, thiết yếu.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân. Các ngành, lực lượng liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hàng giả, hàng cấm được các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.
Hàng giả, hàng cấm được các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan thực thi cần chỉ đạo và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng hiệu quả, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cũng rất quan trọng. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các lực lượng chức năng nên thông qua công tác kiểm tra để thực hiện công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân; vận động quần chúng không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu (đặc biệt là người dân khu vực biên giới trong việc mang, vác, gùi, cõng hàng hóa nhập lậu qua biên giới).

Một thực tế không thể phủ nhận là dù các lực lượng chức năng “căng mình” đến bao nhiêu cũng không đủ sức ngăn hàng lậu, hàng giả tràn vào thị trường nếu mỗi người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Do đó, người tiêu dùng thông thái, cần “nói không với hàng nhái, hàng giả, hàng lậu” để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hoá thị trường; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ sản xuất trong tỉnh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Lê Mai