.
Ký sự pháp đình:

Đón Tết trong tù

Thứ Sáu, 06/01/2017, 18:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi dịp tết đến xuân về, lòng người cũng rộn ràng trong niềm vui hân hoan của đất trời. Phiên tòa hôm nay chỉ có một mình Ngọc, dưới hội trường xét xử không một bóng người thân… Ngọc cũng không mong đợi gì, bởi vì Ngọc hiểu, giờ đây, khi mọi người, mọi nhà đang háo hức trong không khí sum vầy, đầm ấm thì  thêm một lần nữa Ngọc đón tết trong tù…

 

Đứng trước vành móng ngựa, Ngọc thành khẩn khai rõ các tình tiết thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của mình. Lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của cha mẹ bởi Ngọc không được biết cha mình là ai, còn mẹ sau khi sinh Ngọc thì giao lại cho ông bà ngoại và đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc.

Nói là vậy, nhưng có đi thì có về, đằng này mẹ Ngọc đi biền biệt, như câu nói chân tình ngoại thường nói với Ngọc vào mỗi bữa cơm: Mẹ mày có “xuất” mà chẳng hẹn ngày “nhập”. Ông bà ngoại già yếu không còn sức lao động nhưng ngày ngày vẫn phải chăm cho Ngọc ba bữa cơm.

Thế nhưng, Ngọc không thương ngoại, lại còn đua đòi theo chúng bạn, bỏ nhà đi lêu lỏng rồi sinh ra trộm cắp. Cửa nhà tù mở ra bằng bản án 30 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản” khi Ngọc vừa qua tuổi 18 được mấy ngày và đó cũng là “sự khởi đầu” đánh dấu những năm tháng thanh xuân của Ngọc qua đi sau song sắt nhà tù. Cái vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại, vì cứ mãn hạn tù được ra ngoài không bao lâu Ngọc lại tiếp tục phạm tội, những dòng chữ về tiền án, tiền sự và quá trình nhân thân xấu trong các bản án ngày càng dài thêm, đồng nghĩa với thời gian được sống ở ngoài xã hội của Ngọc cứ ngắn dần, ngắn dần…

Lần đi chấp hành án ở trại giam tỉnh B là chuyến đi xa nhất trong cuộc đời của Ngọc. Sau khi mãn hạn tù, cầm lộ phí 270.000 đồng trong tay, Ngọc bắt xe ôm đến chỗ đón xe nhưng lòng vẫn ngổn ngang nhiều lối rẽ chưa biết suy tính thế nào. Ở quê, ông bà ngoại đã mất, không có ai mong ngóng ngày Ngọc trở về…

Sau khi ăn uống và chơi điện tử hết số tiền được cấp để về quê, Ngọc bắt đầu lang thang khắp các nẻo đường, ngắm nhìn phố phường và cuộc sống xã hội sau bao ngày tháng phải cách ly. Rồi chứng nào tật đó, Ngọc nảy sinh ý định lấy trộm tài sản để kiếm tiền tiêu xài. Phát hiện cửa tầng 2 một nhà nọ không khóa, Ngọc leo qua hàng rào rồi leo lên lan can tầng 2 đi vào phòng ngủ lấy trộm 1 máy tính xách tay màu đen cùng dây xạc, chuột máy tính bỏ vào túi xách đựng máy tính rồi bỏ trốn ra ngoài.

Sau đó Ngọc đi ngang qua một nhà khác phát hiện cổng và cửa nhà không khóa, Ngọc đi vào nhà lấy trộm 1 đồng hồ đeo tay hiệu ANNEKLEIN màu đen – vàng để trên tủ ở phòng ngoài rồi bỏ trốn. Lang thang trong đêm, đến gần sáng Ngọc phát hiện phòng trọ bên đường còn sáng điện, không khóa cửa sổ. Ngọc trèo cổng vào lấy trộm 1 ĐTDĐ hiệu SONY XPERIA E2312 màu trắng, 01 ĐTDĐ hiệu NOKIA 105 màu đen rồi bỏ trốn. Sau khi lấy được tài sản, không quen biết ai, lại không có chỗ nào để đi, Ngọc ra chỗ công viên nằm chờ trời sáng và tìm cách tiêu thụ tài sản thì bị lực lượng tuần tra công an phường phát hiện và bắt giữ.

Chỉ trong thời gian ngắn, Ngọc đã thực hiện liên tiếp 3 vụ trộm với tổng giá trị chiếm đoạt là 12.700.000đ. Thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian đang có ba án tích chưa được xóa nên hành vi lần này của Ngọc đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” với tình tiết tái phạm nguy hiểm được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 BLHS.

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, làm mất trật tự trị an xã hội, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Bị cáo đã 5 lần bị kết án, hai lần được xóa án theo Nghị quyết 33 của Quốc hội, 3 lần còn lại chấp hành án xong vừa mới ra trại chỉ 1 thời gian ngắn thì lại tiếp tục lao vào con đường phạm tội.

Đặc biệt lần này bị cáo được ra trại mới buổi sáng thì buổi tối đã thực hiện liên tiếp 3 vụ trộm cắp. Hành vi của bị cáo cho thấy nhân thân của bị cáo đã xấu mà ý thức lại quá xem thường tài sản người khác, đặc biệt là không có ý thức tôn trọng pháp luật. Cả 5 lần bị kết án đều bị cải tạo trong trại giam, bị cáo nhận thức được việc làm của mình là phạm pháp nhưng bất chấp hậu quả, chứng tỏ bị cáo là đối tượng khó cải tạo, những hình phạt của các bản án trước chưa đủ để răn đe, giáo dục bị cáo. Do đó, HĐXX đã tuyên phạt Ngọc 36 tháng tù.

Vậy chỉ sau đúng một ngày được hít khí trời ở một nơi khác không phải nhà tù, Ngọc phải tạm biệt sống tự do để quay về với những năm tháng ở trại tạm giam. Tuổi xuân của Ngọc tiếp tục trôi qua thêm 3 năm nữa ở đó...

Nguyễn Thị Tú Anh