.
Ký sự pháp đình:

Những phiên tòa le lói niềm tin

Thứ Sáu, 23/12/2016, 09:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Việt và chị Dung đăng ký kết hôn tại Minh Hóa vào năm 2001. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng về sống tại ngôi nhà tạm dựng trên mảnh đất anh Việt mượn của o dượng mình từ năm 1996 đến nay. Vợ chồng sống với nhau hạnh phúc, ấm êm được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân xuất phát từ việc bất đồng quan điểm, vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, khiến tình cảm lứa đôi cứ nguội lạnh dần.

 

Theo anh Việt, vợ chồng anh chị đã sống ly thân từ tháng 3 năm 2013. Hiện tại, anh không còn tình cảm và làm đơn xin ly hôn. Anh có nguyện vọng xin nuôi hai con chung, là Tuấn (SN 2002) và Lan (SN 2006), nhưng anh vẫn tôn trọng ý kiến của các con. Nếu các cháu muốn sống với mẹ, anh sẽ tự nguyện cấp dưỡng nuôi con mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng.

Tài sản chung của hai vợ chồng gồm một nhà gỗ ba gian trị giá 100 triệu đồng, 1 xe máy trị giá 20 triệu đồng. Xe máy anh nhường cho chị Dung, chỉ xin sở hữu ngôi nhà và giao lại cho chị Dung số tiền chênh lệch tài sản là 60 triệu đồng.

Còn mảnh đất hiện tại hai vợ chồng đang dựng nhà không phải là tài sản chung mà là đất mượn, do đó, sau khi anh chị ly hôn, mảnh đất này phải được trả lại cho o dượng của anh Việt.

Phía chị Dung mặc dù đồng ý với trình bày của anh Việt ở quan hệ hôn nhân và con chung, nhưng chị vẫn tha thiết mong được đoàn tụ với chồng, nuôi dạy con cái trưởng thành bởi theo chị, mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức trầm trọng. Về tài sản, chị đồng ý với ý kiến của anh Việt về ngôi nhà và xe máy, nhưng riêng mảnh đất, chị cho rằng mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, chị chỉ đồng ý nếu anh Việt cung cấp đầy đủ chứng cứ về việc mượn đất.

Tòa án nhân dân huyện áp dụng Điều 89, 91 Luật Hôn nhân-Gia đình xử cho anh Việt được ly hôn với chị Dung. Về con chung, tòa giao hai cháu cho chị Dung nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn trưởng thành. Anh Việt có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp tiền nuôi con mỗi tháng 1 triệu đồng mỗi cháu cho đến lúc đủ 18 tuổi.

Về tài sản chung, anh Việt được sở hữu ngôi nhà gỗ 3 gian lợp ngói trị giá 100 triệu đồng và có nghĩa vụ trả lại cho chị Dung số tiền 60 triệu đồng. Chị Dung được sở hữu chiếc xe máy trị giá 20 triệu đồng và nhận lại từ anh Việt 60 triệu đồng. Tòa bác yêu cầu của chị Dung về việc đòi phân chia quyền lợi đối với mảnh đất mà anh Việt mượn của o dượng mình.

Ngay sau đó, chị Dung đã có đơn kháng cáo, xin được đoàn tụ với chồng vì vẫn còn tình cảm và mong muốn chồng cùng góp sức xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con cái trưởng thành. Trong trường hợp phải ly hôn, chị yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét lại việc phân chia tài sản, bởi anh chị vẫn có một số tài sản chung nữa là mảnh đất vợ chồng đang ở và một chiếc xe máy khác nữa. Việc Tòa sơ thẩm giao nhà cho anh Việt làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chị và các con, chị yêu cầu tăng nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con lên mỗi tháng 1,5 triệu đồng/tháng.

Ấy vậy, tại phiên tòa phúc thẩm, anh Việt vẫn khăng khăng một hai đòi ly hôn, mặc cho vợ tha thiết, níu kéo, muốn quay lại với anh, muốn hai con có bố có mẹ. Tòa phúc thẩm xét thấy án sơ thẩm xử cho anh Việt được ly hôn với chị Dung là chưa đánh giá một cách toàn diện các nguyên nhân mâu thuẫn giữa vợ chồng và khả năng khắc phục.

Xét mâu thuẫn chưa đến mức trầm trọng, tình cảm vợ chồng còn khả năng hàn gắn, nên cần tạo cơ hội cho hai bên cùng khắc phục những hạn chế của mình và cùng nhau nuôi dạy con cái, Tòa chấp nhận kháng cáo của chị Dung để sửa bản án sơ thẩm. Chị Dung thở phào nhẹ nhõm, tràn đầy hy vọng, còn anh Việt thì tỏ rõ thái độ bực bội, khó chịu. Duy chỉ có hai con là niềm vui đong đầy trong khóe mắt, bởi dù hạnh phúc dẫu mong manh thì có vẫn hơn không.

Những cuộc ly hôn thường kết thúc rất buồn, đó là khi tình cảm đã hết, mọi cảm xúc yêu đương chỉ còn là con số không vô nghĩa. Vợ chồng gặp nhau trước tòa chỉ để phân chia tài sản, tranh chấp quyền nuôi con hay giải quyết những mâu thuẫn sâu sắc. Tuy vậy, vẫn còn đó những phiên tòa le lói niềm hy vọng cho những mái ấm đương lung lay. Các cặp vợ chồng sẽ tiếp tục được trao cơ hội để giữ vững ngôi nhà của mình, để những đứa trẻ được sống trong sự đủ đầy cả ba và mẹ. Người ta vẫn gọi đó là những “phiên tòa của trái tim”, nơi vẫn còn có những nụ cười hy vọng cho một mái ấm vẹn nguyên.

Quảng Hạ

---------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi