.

Nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Ba, 19/07/2016, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 3 năm triển khai thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhìn chung đã phổ biến kịp thời, cơ bản, đầy đủ những nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những nơi trọng điểm về vi phạm pháp luật đã có nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật…

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại các địa bàn trọng điểm đạt hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp và các ban chỉ đạo về PBGDPL đã gửi công văn đề nghị Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu PBGDPL của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, xác định địa bàn trọng điểm vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy, an toàn giao thông, môi trường và các địa bàn thường xảy ra hiện tượng tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng.

Qua khảo sát năm 2016, toàn tỉnh có 14 địa bàn được giới thiệu gồm: xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy); phường Quảng Thuận, phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn), trọng điểm về tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng; xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), có nhiều khiếu kiện liên quan đến bảo vệ môi trường; xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch), xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), trọng điểm về tội phạm hình sự; xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch), phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), trọng điểm về ma túy; xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), trọng điểm về trật tự an toàn giao thông.

 Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.

Từ thực tế tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã xây dựng nhiều cách làm, mô hình có hiệu quả  và thiết thực như: tìm hiểu nguyên nhân, đối tượng, lĩnh vực thường có hành vi vi phạm để có giải pháp phù hợp; tăng cường phối hợp giữa chính quyền cơ sở và các sở, ngành; phát huy vai trò tích cực của gia đình, tổ chức, xã hội, đoàn thể, tổ hòa giải; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp.

Ngoài các hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, PBGDPL tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền như: thông qua các CLB pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, qua phiên tòa xét xử lưu động, các phong trào hoạt động của địa phương và qua triển khai thực hiện Ngày pháp luật... theo hướng tăng cường, trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người được tuyên truyền, giúp họ hiểu sâu hơn vấn đề vướng mắc, cần giải đáp.

Ngoài ra, việc lồng ghép mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng “Gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến” đã và đang phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc thực thi pháp luật...

Nổi bật là các mô hình, cách làm có hiệu quả của Sở Lao động - Thương binh và xã hội trong việc thành lập nhiều điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng, thành lập nhóm tự lực của người nghiện ma túy và người sau cai nghiện tại phường Đồng Sơn (TP.Đồng Hới); xây dựng thí điểm mô hình “Phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm tại 5 xã trọng điểm về mại dâm”, Công an tỉnh xây dựng các mô hình “Làng không ma túy”, “Chi đoàn không ma túy”, “Chi hội phụ nữ không có chồng con vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội”, “Mô hình 5 an toàn”, “3 an toàn, 2 tự quản”...

Nhờ thực hiện có hiệu quả các mô hình và cách làm có hiệu quả như trên, qua 3 năm triển khai thực hiện đề án đã có 100% người dân tại các địa bàn trọng điểm được giới thiệu đã được phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật gắn trực tiếp đến cuộc sống của mình, trong đó tập trung vào những nội dung pháp luật liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật, phù hợp đặc thù từng địa bàn; 100% cán bộ, công chức thuộc hệ thống chính quyền, đoàn thể cơ sở và những người làm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, PBGDPL về các lĩnh vực pháp luật liên quan; 14 địa bàn trọng điểm được giới thiệu có tỷ lệ vi phạm pháp luật ngày càng được kiềm chế và giảm số người vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được 3 năm qua, việc thực hiện đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần được khắc phục.

Đó là, công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có lúc chưa kịp thời, nhận thức và ý thức trách nhiệm của mộ số cơ quan, đơn vị về công tác PBGDPL chưa cao; nhận thức của một số bộ phận nhân dân, cán bộ còn hạn chế, chưa quan tâm đến giá trị của nhận thức pháp luật; sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ; điều kiện và nguồn lực để triển khai thực hiện đề án còn thiếu...

Ngọc Hải