.
Ký sự pháp đình:

Còn đâu chốn thương yêu!

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù ở đâu, đi đâu, dù cho vật đổi sao dời thì mái nhà-nơi mỗi người được sinh ra và nuôi dưỡng mãi mãi là chốn để yêu thương, chốn để trở về. Bởi, đó là nơi mà họ đã từng sống trong vòng tay ấm áp yêu thương của bố mẹ, trong tình máu mủ anh chị em ruột thịt. Vậy nhưng, chỉ vì việc phân chia ngôi nhà nhỏ và mảnh đất của bố mẹ để lại, giữa với những người anh em ruột thịt chỉ còn lại sự ích kỷ hẹp hòi, thậm chí cả thù hận.

 

Hai anh em ông Ngãi và ông Lời, hai mái đầu đã chớm bạc, kể từ lúc thoát ly quê nhà đã người Nam kẻ Bắc. Ông Ngãi ở Hà Nội, còn ông Lời ở tận TP.Hồ Chí Minh. Ấy vậy nhưng, bố mẹ mất chưa lâu, họ đã kéo nhau ra tòa...

Theo đơn khởi kiện của ông Ngãi, bố mẹ ông có 5 người con (một người đã mất). Mẹ ông mất năm 2006, bố mất năm 2009. Ngày 25-11-1998, bố ông có viết di chúc để lại cho vợ chồng ông toàn bộ tài sản là 1 ngôi nhà cấp 4 và thửa đất 270m².

Năm 2006, ông đã làm thủ tục và đã được cấp giấy CNQSDĐ, nhưng sau đó, ông Lời-em trai ông khiếu nại nên đã bị thu hồi giấy CNQSDĐ. Do vậy, ông khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho ông cùng các thành viên trong gia đình. Đồng thời, ông cũng xin sở hữu toàn bộ ngôi nhà và thửa đất ở của bố mẹ để lại để làm nơi thờ phụng tổ tiên, ông bà. 

Tại phiên tòa ông Ngãi trình bày thêm, ngôi nhà của bố mẹ được xây dựng lại vào năm 1998. Nguồn tiền để xây dựng ngôi nhà này là của ông, nên không thể coi đó là tài sản của bố mẹ để chia thừa kế cho những người khác. Hơn nữa, một mình ông phải bảo đảm nguồn tài chính để nuôi dưỡng bố mẹ trong suốt 20 năm cuối đời, nên ông yêu cầu trích một khoản hợp lý trong khối tài sản của bố mẹ để lại để chia cho ông.

Bị đơn-ông Lời cho rằng, mặc dù bố mẹ không để lại di chúc, nhưng trước khi mất ông bà có nguyện vọng để ngôi nhà đó làm nơi thờ tự tổ tiên, ông bà, nên ông không đồng ý lấy số tài sản đó để chia chác.

Trong khi đó, người có nghĩa vụ liên quan, bà Mai (chị gái của ông Ngãi và Lời) và bà Linh (em gái của 2 ông) lại có ý kiến, nếu không chia số tài sản này, thì ông Lời sẽ lợi dụng ngôi nhà của bố mẹ để đến quấy rối vào những ngày kỵ chạp, làm tăng thêm mâu thuẫn anh chị em trong gia đình. 2 bà yêu cầu tòa chia tài sản của bố mẹ, nhưng phần được hưởng của mình thì nhượng lại cho ông Ngãi nhận để làm nơi thờ phụng. Riêng 6 người cháu (con ông Hóa đã mất, anh em ruột của ông Ngãi và Lời) thì có nguyện vọng muốn tòa không nên chia thừa kế, để ngôi nhà làm nơi thờ phụng ông bà, tổ tiên.

Theo định giá, tổng giá trị tài sản trong vụ việc này là gần 170 triệu đồng, trong đó các công trình trên đất là gần 130 triệu đồng, giá trị của 271m² đất là 40 triệu đồng. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên ông Ngãi được hưởng hơn 79,7 triệu đồng và được quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ ngôi nhà cùng các công trình xây dựng trên đất. Tuy nhiên, ông Ngãi phải giao cho ông Lời 22,4 triệu đồng; giao cho 6 người cháu (con ông Hóa đã mất), mỗi người được hưởng 3,7 triệu đồng; bà Mai và bà Linh tự nguyện giao tài sản được chia cho ông Ngãi nên tòa không xem xét.

Tuy nhiên, sau đó ông Ngãi lại có đơn kháng cáo với nội dung, ông nhất trí với việc tòa sơ thẩm chia cho ông được hưởng 1/4 tài sản theo di chúc của bố mẹ để lại. Riêng việc chia giá trị ngôi nhà ngang bằng với các thành viên khác, ông không nhất trí vì ngôi nhà là công sức đóng góp của riêng ông. Nếu ông được tòa phúc thẩm giao cho ngôi nhà thì ông sẽ từ chối nhận khoản tiền 20 triệu đồng mà tòa sơ thẩm đã phân chia cho ông, nhằm bù đắp công sức phụng dưỡng bố mẹ.

Còn ông Lời cũng có kháng cáo rằng, ông không nhất trí với quyết định của Tòa án, đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án của tòa sơ thẩm để giữ lại ngôi nhà làm nơi thờ tự linh hồn của cha mẹ và tổ tiên, ông bà. Còn nếu chia thì phải thật công bằng, đúng luật, hợp tình, hợp lý.

Bà Mai và bà Linh trình bày, ông Ngãi là người con thành đạt trong gia đình. Với tấm lòng hiếu thảo của mình, suốt hơn 20 năm, ông đã có công nuôi dưỡng bố mẹ. Ngôi nhà đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi mà bố mẹ từng sử dụng cũng do tiền của của ông Ngãi đóng góp, xây dựng nên.

Đáp trả lại, ông Lời cho rằng, đúng là ông Ngãi có góp tiền nhiều hơn những anh chị em khác. Tuy nhiên, việc phụng dưỡng bố mẹ không chỉ có mình ông Ngãi, mà còn có công sức đóng góp của những anh chị em khác trong gia đình.

Sau khi xem xét ý kiến của các bên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, ý kiến của ông Lời và 6 người cháu muốn giữ lại ngôi nhà làm nơi thờ cúng là chính đáng và phù hợp với phong tục tập quán, song cũng cần phải giao cho một người trong số những người được thừa kế trông coi, quản lý. Theo quy định của pháp luật thì, tài sản sử dụng để làm thờ cúng là quyền quyết định của người để lại tài sản. Bố mẹ của các bên đương sự trước khi mất không đề cập đến việc giữ lại ngôi nhà làm nơi thờ phụng. Mặt khác, Luật Dân sự cũng không hạn chế quyền yêu cầu chia thừa kế của người thuộc diện được hưởng thừa kế.

Vì vậy, ý kiến của bên yêu cầu chia tài sản thừa kế là có cơ sở. Tuy nhiên, xét về tính pháp lý của bản di chúc, Hội đồng xét xử khẳng định, cả hình thức và nội dung của bản di chúc đều không bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Di chúc ghi người lập là cụ Hiến và cụ Liên (bố mẹ các đương sự) nhưng chỉ có cụ Hiến điểm chỉ, còn ý kiến cụ Liên không được thể hiện.

Với tổng giá trị tài sản là 170 triệu đồng, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm quyết định trích lại cho ông Ngãi số tiền đã đóng góp vào việc xây dựng nhà cửa và các công trình là 80 triệu đồng, số tiền còn lại ông Ngãi phải chia đều và giao cho 5 người anh em còn lại, mỗi người 17,8 triệu đồng. Ngôi nhà 3 gian cấp 4 và các công trình trên đất được giao cho ông Ngãi toàn quyền sử dụng...

Phiên tòa khép lại, bản án rồi sẽ có hiệu lực, song đã để lại những người theo dõi và chứng kiến vụ việc rất nhiều suy nghĩ. Chắc chắn rằng, khi những con người đã đặt bút viết đơn khởi kiện ra tòa và ngay cả lúc đứng tranh luận tại phiên tòa trong vụ việc này, họ hoàn toàn không đủ tỉnh táo để suy nghĩ lẽ đúng-sai, hơn-thiệt.

Nếu có chăng, cũng chỉ chút lợi ích vật chất cỏn con họ đang cố giành giật lại cho mình là mảnh đất và căn nhà của bố mẹ đã quá cố kia để lại? Không biết rồi đây, sau phiên tòa này, họ-những người anh em ruột thịt, liệu có còn cơ hội, có đủ lòng vị tha, đủ tình yêu thương để ngồi lại với nhau ở nơi từng là mái nhà chung đầy ắp tình thương yêu ấy, trong những ngày trọng đại của bố mẹ họ?

Dương Công Hợp

--------------------------------------------

(* )Tên nhân vật đã được thay đổi.