.

Vì sao có nhiều vụ việc thi hành án dân sự bị tồn đọng?

Thứ Ba, 10/05/2016, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự (THADS) là một trong những yếu tố có ý nghĩa hàng đầu nhằm bảo đảm cho các vụ việc được thi hành án (THA) theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ việc phức tạp. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn còn có một số vụ việc tồn đọng, nhiều vướng mắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ, mà nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giải quyết của một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

 

Cán bộ THADS kê biên tài sản, cưỡng chế tài sản thi hành án.
Cán bộ THADS kê biên tài sản, cưỡng chế tài sản thi hành án.

Do bản án sai sót

Thực tế cho thấy, trong các vụ việc THA còn tồn đọng hiện nay, ngoài nguyên nhân do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người bị buộc phải thi hành án còn thấp, còn do sự phối hợp giải quyết giữa các cơ quan, ban ngành liên quan thiếu chặt chẽ, dẫn đến sự việc khó thi hành hoặc không có đủ cơ sở pháp lý để THA.

Điển hình như vụ việc tranh chấp đất giữa vợ chồng ông Hoàng Đình Luyện (nay bà Trần Thị Hoài Thu thừa kế tài sản) trú tại tiểu khu 6, P. Bắc Lý, (TP. Đồng Hới) với vợ chồng bà Hoàng Thị Lê, ông Dương Văn Chanh ở tổ dân phố 7, TT. Kiến Giang (Lệ Thủy).

Theo bản án sơ thẩm ngày 10-3-2000, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lệ Thủy buộc vợ chồng bà Lê, ông Chanh phải giao trả cho ông Luyện quyền sử dụng đất có diện tích 321m². Vợ chồng bà Lê và ông Chanh phải tìm nơi ở mới để trả lại khuôn viên lô đất nói trên cho ông Luyện.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 23-5-2001, Đội THADS (nay là Chi cục THADS huyện Lệ Thủy) đã ra quyết định THA số 99/QĐ-THA. Qua nhiều lần vận động thuyết phục, nhưng vợ chồng bà Hoàng Thị Lê, ông Dương Văn Chanh không chấp hành THA với các lý do, bản án tuyên không đúng tên người phải THA (người phải THA là ông Dương Văn Chanh nhưng Tòa án lại tuyên Dương Văn Thanh) và các phía giáp ranh lô đất không đúng.

Hơn nữa, lô đất đang tranh chấp có ngôi nhà của bà Lê, ông Chanh được xây dựng trước khi có bản án sơ thẩm nhưng Tòa án không tuyên việc giải tỏa ngôi nhà. Xét thấy các bản án tuyên có nhiều sai sót, Chi cục THADS huyện Lệ Thủy đã có công văn yêu cầu TAND huyện Lệ Thủy đính chính và xem xét lại bản án.

Sau đó, TAND huyện có đính chính nhưng vẫn chưa đề cập đến tài sản là ngôi nhà bà Lê và ông Chanh. Ngày 7-2-2006, TAND tỉnh có văn bản cho rằng, đính chính của TAND huyện Lệ Thủy là chưa đúng với quy định của pháp luật và yêu cầu TAND huyện Lệ Thủy phải tiến hành sửa chữa những sai sót của bản án theo đúng quy định. Tuy nhiên cho đến nay, qua nhiều lần đề nghị nhưng TAND huyện Lệ Thủy vẫn chưa có bản án có đủ cơ sở pháp lý để Chi cục THADS huyện Lệ Thủy làm căn cứ thi hành vụ án theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Quý Hoài, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Lệ Thủy cho biết: “Vướng mắc lớn nhất trong vụ án này là do bản án tuyên có nhiều sai sót, nên không thể tổ chức THA được. Ngành THADS đã nhiều lần đề nghị TAND Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét giải quyết vụ việc theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm".

“Dẫm chân tại chỗ” vì vướng mắc

Chẳng những bản án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành, mà trong thực tế khi tiến hành THA có những vụ việc phát sinh tình tiết mới đã và đang gây không ít khó khăn cho ngành THA. Theo bản án số 124/STDS ngày 26-9-2003 của TAND TP.Đồng Hới, ông Trần Bá Hoài được hưởng 150m² đất ở và 178,24m² đất vườn; còn bà Lê Thị Kim Xuyến được hưởng 150m² đất ở và 478,76m² đất vườn.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức THA, qua khảo sát, đo đạc thực địa để giao tài sản cho các bên đương sự, kích thước và diện tích các thửa đất có sự sai lệch so với bản án tuyên, cụ thể: cạnh phía bắc của thửa đất ông Trần Bá Hoài được quyền sử dụng có chiều dài 8,5m, trong khi bản án tuyên 9,9m.

Chi cục THADS TP.Đồng Hới đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị TAND TP.Đồng Hới giải thích để có căn cứ tổ chức THA. Ngày 30-3-2015, TAND TP.Đồng Hới có Công văn số 663/2015/CV-TA giải thích rằng, phần đất của ông Trần Bá Hoài được Tòa án TP.Đồng Hới phân chia tại bản án số 124/STDS, ngày 26-3-2003 có cạnh phía bắc thực tế chỉ có chiều dài 8,5m, chứ không phải 9,9m như quyết định của bản án. Chính vì vậy, ngày 27-4-2015, Chi cục THADS TP.Đồng Hới tổ chức thỏa thuận giữa ông Hoài, bà Xuyến để giải quyết THA, nhưng thỏa thuận không thành.

Vụ việc THA giữa ông Phan Xuân Lai và bà Trần Thị Lợi ở cùng thôn Thọ Linh, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) cũng lâm vào tình trạng "dẫm chân tại chỗ" vì phát sinh tình tiết mới. Bản án số 27/PTTC, ngày 29-10-1999 của TAND tỉnh quyết định cho bà Trần Thị Lợi được quyền quản lý và sử dụng 225m² đất vườn và nhà ở.

Theo thống kê, hiện tỉnh ta còn 5 vụ việc thi hành án tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa thể giải quyết.

Trong đó có 3 vụ việc tồn đọng do bản án tuyên có sai sót, 2 vụ việc còn lại do người dân cố tình chây ỳ, chống đối.

Tuy nhiên, lối đi của nhà bà Lợi đã bị ông Phan Xuân Lai (ở cùng thôn) xây dựng nhà bếp và nhà vệ sinh kiên cố, không còn đất để mở đường đi. Cơ quan THA đã có kế hoạch cưỡng chế công trình của ông Lai để mở đường đi cho bà Lợi, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch có yêu cầu xem xét lại việc cưỡng chế, vì phát sinh tình tiết mới là phía trước nhà bà Lợi đã có con đường đi vào nhà (rộng 3m), nên cần phải xem xét, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Hiện diện tích đất có con đường này đã được UBND xã Quảng Sơn giao cho hộ dân khác sản xuất theo Nghị định 64 của Chính phủ. Cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền không kháng nghị tái thẩm theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch.

Ông Trần Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết, mỗi một vụ việc THADS thường liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban, ngành. Chỉ cần vướng mắc ở công đoạn nào, ngành nào thiếu chủ động phối hợp, thì vụ việc dường như bị bỏ dỡ và đi vào ngõ cụt, không thể THA được.

Vì vậy, để THA thành công rất cần sự chủ động vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan. Hơn nữa, đa số các vụ việc tồn đọng, khó THA hiện nay đều là các vụ việc phức tạp, muốn THA phải liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành. Mặc dù, hiện nay đã có các quy chế phối hợp giữa ngành THADS với một số cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính ràng buộc với nhau về trách nhiệm, chứ về luật không có chế tài xử phạt nào.

“Để các vướng mắc trong THA được tháo gỡ, thiết nghĩ các cơ quan, ban ngành liên quan cần có trách nhiệm, chủ động vào cuộc và chung tay giải quyết, nhằm bảo đảm các vụ việc THA được thực thi một cách nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật” - ông Nam cho hay.

Dương Công Hợp