.

Xử lý nghiêm tình trạng vi phạm khai thác và cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản

Thứ Năm, 17/09/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 9-9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1073/UBND-TNMT về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm khai thác và công tác cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản. Sau khi công văn này được ban hành đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nội dung công văn số 1073/UBND-TNMT của UBND tỉnh nêu rõ: Qua đợt kiểm tra của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Bố Trạch cho thấy xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản (cát làm vật liệu san lấp) không đúng với thiết kế nên tạo thành các hố sâu, chậm hoàn trả lại mặt bằng sau khai thác, việc trồng cây phục hồi môi trường còn chậm, gây bức xúc cho người dân...

Để chấn chỉnh tình trạng trên và đưa công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường đi vào nền nếp, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bố Trạch và UBND các xã của huyện Bố Trạch  kiểm tra hoạt động khai thác cát san lấp của các công ty trên địa bàn của huyện Bố Trạch, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện khai thác, công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với tất cả các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các mỏ cát san lấp, titan, sét gạch ngói, khai thác cát, sỏi trên các dòng sông.

Đồng thời, tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định, trước mắt những đơn vị nào không thực hiện cam kết về môi trường, khai thác không đúng thiết kế thì đình chỉ việc khai thác để san gạt trả lại mặt bằng diện tích đã khai thác. Báo cáo kết quả xử lý sai phạm về UBND tỉnh trước ngày 30-9-2015.

Cùng đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong khai thác, cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền. Trong trường hợp nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh để xử lý theo quy định.

Ảnh 7 : Một điểm khai thác cát và đất san lấp tại khu vực Bàu Bàng ở xã Lý Trạch (Bố Trạch) không được cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Ảnh 7 : Một điểm khai thác cát và đất san lấp tại khu vực Bàu Bàng ở xã Lý Trạch (Bố Trạch) không được cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó vào ngày 9-7-2015 Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có báo cáo số 88/BC-KTNS về kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến 2014.

Trong báo cáo này đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm có biện pháp khắc phục như: Công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua đã được tăng cường, tuy nhiên so với yêu cầu thực tế vẫn còn những hạn chế, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Cụ thể, theo báo cáo của UBND các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và Bố Trạch thì việc tuần tra, kiểm soát đã được thực hiện và đã xử phạt nhiều trường hợp, nhưng chưa dập tắt được tình trạng khai thác lén lút cát sỏi lòng sông, bến bãi tập kết vật liệu ảnh hưởng đê điều, giao thông.

Qua giám sát có một số doanh nghiệp vi phạm khi khai thác vượt công suất được cấp phép, giám đốc điều hành mỏ chưa đủ chuyên môn theo quy định nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Vẫn còn một số đơn vị khai thác ra ngoài diện tích cấp phép nhưng chưa được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý phát hiện, xử lý kịp thời như: Công ty TNHH Linh Lương tổ chức khai thác trước khi cấp phép tại mỏ cát san lấp Mỹ Trung (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh); Công ty CP COSEVCO I.5 khai thác sét gạch ngói ngoài khu vực cấp phép tại đập Tân Sơn, xã Quảng Tiến (Quảng Trạch); Công ty CP Hoàng Hương khai thác sét gạch ngói tại thôn Hòa Lạc xã Quảng Châu (Quảng Trạch) ngoài khu vực cấp phép.

Tại một số mỏ cát san lấp đã khai thác hết trữ lượng, giấy phép hết hạn nhưng chậm kiểm kê, thống kê để có cơ sở làm thủ tục đóng cửa mỏ và tính thuế, phí liên quan. Cụ thể,  tại mỏ cát khu vực Dinh Mười, xã Gia Ninh (Quảng Ninh)  của Công ty xây dựng tổng hợp Lương Ninh; mỏ cát tại xã Cam Thủy (Lệ Thủy) của Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh...

Công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác đã được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên một số doanh nghiệp chậm triển khai thực hiện nhưng chưa có các biện pháp kiên quyết buộc thực hiện theo quy định. Cụ thể tại mỏ cát san lấp Bàu Bàng ở xã Lý Trạch (Bố Trạch) của Công ty TNHH xây dựng Thái An; các mỏ cát san lấp tại khe Dinh Thủy và Dinh Mười ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh) của Công ty TNHH Thương mại và XDTH Trường Khánh và Công ty xây dựng Lương Ninh; các mỏ sét gạch ngói của Công ty Trường Phiêm tại xóm Cà, xã Hòa Trạch (Bố Trạch) và Công ty cổ phần  COSEVCO I.5  tại thôn Hòa Lạc, xã Quảng Châu (Quảng Trạch)... 

Một số đơn vị khai thác cát sạn lấp vượt công suất cấp phép nhưng không làm hồ sơ điều chỉnh công suất khai thác cát san lấp như Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Lương Ninh, Công ty TNHH sản xuất thương mại Quang Nhật, Công ty TNHH Vật tư và Xây dựng Thăng Long, Công ty TNHH Anh Quyết và doanh nghiệp tư nhân Thái Hoàng...

UBND một số xã chấp hành Luật Khoáng sản thiếu nghiêm túc hoặc  thực hiện một số công việc vượt chức năng quy định như: Ký hợp đồng cho phép các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn; tự tổ chức thu một số loại thuế, phí khoáng sản; chưa thường xuyên thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra nên việc phát hiện và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép có lúc chưa kịp thời.

Cụ thể, UBND xã Đại Trạch (Bố Trạch) ký hợp đồng cho phép khai thác và thu thuế tài nguyên, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường với Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Thăng Long và Công ty TNHH sản xuất thương mại Quang Nhật tại khu vực cát san lấp Bàu Mía; UBND xã Nam Trạch và UBND thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) cho phép các hộ dân khai thác và tự thu các loại thuế, phí tại khu vực cát sỏi lòng sông hạ nguồn cầu Đá Mài-sông Dinh, hạ nguồn cầu Sao Sa - sông Dinh; Công ty Phước Sỹ tận thu khoáng sản trong khu vực dự án đầu tư của công ty tại xã Sen Thủy (Lệ Thủy)...

Trên tình thần Công văn số 1073/UBND-TNMT, ngày 9-9-2015 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm khai thác và công tác cải tạo phục hồi môi  trường trong hoạt động khoáng sản, dư luận mong muốn UBND  tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra xem các vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà báo cáo của  Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã chỉ ra nói trên đã được xử lý chưa, nếu chưa được xử lý thì cần tiến hành xử lý nghiêm. Cùng đó, đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp khắc phục vi phạm, cần kiên quyết áp dụng các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép.

Thông qua công tác kiểm tra cần tiến hành đánh giá việc thực hiện các giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực;  rà soát các giấy phép đã cấp nhưng chưa triển khai thực hiện; thu hồi các giấy phép đã quá thời hạn nhưng chưa tổ chức khai thác hoặc vi phạm Luật Khoáng sản. Kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại ở các khu vực, điểm mỏ đang khai thác và đã có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ. Xử lý các đơn vị không thực hiện nghiêm túc cam kết trong đề án cải tạo, phục hồi môi trường...

Bùi Thành