.
Ký sự pháp đình:

Giá như...

Thứ Sáu, 06/02/2015, 13:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Một người chết, một người đầu bạc phải vào tù. Có quá nhiều từ “giá như” được thốt lên tại phiên tòa này. Giá như không vì chút lợi ích cỏn con ấy… Giá như không vì những câu nói khiếm nhã kia… Giá như 2 bên cùng biết kiềm chế vì tình làng nghĩa xóm mấy chục năm qua, thì không nên nỗi cơ sự này.

Vì một câu nói quàng xiên

Hầu hết những người tham dự phiên tòa hôm ấy đều là hàng xóm của nhau. Chỉ có điều khác biệt là một nửa dãy hội trường xét xử hôm đó gần như được phủ kín bởi những chiếc khăn tang trắng.

Người dân nơi miền quê nghèo quanh năm đầu tắt mặt tối này vẫn chưa thôi hết bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi án mạng xảy chỉ trong nháy mắt giữa những người hàng xóm ăn đời ở kiếp với nhau. Bởi, nhà bị hại và bị cáo chỉ cách nhau có vài bước chân. Ngày thường họ vẫn thường xuyên qua lại với nhau rất thân tình. Chẳng có cớ gì mà sinh sự mâu thuẫn đến mức dùng dao đâm chết hàng xóm của mình như vậy cả. Ông bà xưa bảo, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” mà.

Sự việc xảy ra bất ngờ đến nỗi chỉ cách mấy bước chân mà vợ bị hại không kịp biết chuyện gì xảy ra. Đến nỗi, tại phiên tòa người thân của bị hại liên tục đưa ra những “nhận định” về cái chết của người thân mình rằng, một mình bị cáo không thể giết được, mà phải có người khác giúp sức, vì bị hại có thể trạng tốt hơn bị cáo rất nhiều.

Trưa ngày 23-9-2014, Lê Bá Lới (SN 1961) ở thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, đi từ trong nhà ra đường liên thôn thì thấy ông Lê Văn Huề (hàng xóm) xin được bao xi măng của công nhân làm đường gần đó. Ông Lới cũng sấn tới, đòi chia một nửa. Ông Huề không cho và nói: “Tao xin rồi”. Nhưng Lới vẫn lấy xẻng chắn giữa bao xi măng rồi bảo: “Tui cũng xin rồi. Tui một nửa, ông một nửa”.

Ông Huề liền dùng cán xẻng đánh hai cái vào vai ông Lới. Thấy mọi người can ngăn, ông Lới đã bỏ vào nhà mình. Tức tối vì không được chia xi măng nên bà X (vợ ông Lới) đã đứng trong nhà chửi ông Huề: “Đồ chó má, nghe xú xớ thì qua xin thuốc mà một nạm xi măng không cho”. Câu nói khiếm nhã đó như “đổ thêm dầu vào lửa”, ông Huề liền xông đến và đánh bà X.

Thấy vợ bị đánh, ông Lới liền vào nhà lấy một con dao ra đâm nhiều nhát vào vùng ngực, hông của ông Huề. Sau đó, ông Huề được vợ đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Còn đâu tình làng xóm

Từ ngày án mạng xảy ra, bị cáo Lới bị bắt, vợ con Lới phải tạm lánh sang sống ở nhà người bà con vì sợ người nhà bị hại trả thù. Tại phiên tòa, khi nhìn thấy chồng mình đứng trước vành móng ngựa, bà đã khóc rất nhiều.

- Thôi ép bị hại chia xi măng, chồng bà đã lặng lẽ vào nhà. Nếu sự việc dừng lại ở đây thì sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra và cũng sẽ chẳng có phiên tòa hôm nay. Và nếu như, bà không nói quàng xiên, nóng nảy thì chắc chắn bị cáo không đến mức phải lấy dao đâm chết bị hại? Bà có biết một phần lỗi trong vụ án này là do câu nói của bà không?. Chủ tọa phiên tòa chất vấn vợ bị cáo. Như chợt tỉnh ngộ, vợ bị cáo lặng lẽ lau nước mắt, rồi nói: “Tôi biết lỗi của tôi rồi. Vì tôi mà chồng tôi phải đi tù”.

Nghe vậy, gia đình bị hại xông vào chửi bới, mạt sát vợ bị cáo, khiến cho phiên tòa sáng hôm ấy diễn ra rất căng thẳng.

Sau khi hội đồng xét xử tuyên án bị cáo 8,6 năm tù giam, gia đình bị hại một mực cho rằng mức án đó dành cho bị cáo là quá nhẹ. “Gây chết người phải đền tội”. Chưa hết, lúc phiên tòa kết thúc, người nhà bị hại vẫn còn đứng lại đợi người nhà bị cáo ra để hỏi cho ra nhẽ mọi chuyện, khiến lực lượng công an phải cắt cử cán bộ ở lại giải tán đám đông.

Người nhà của bị hại và bị cáo nói trên bức xúc như thế nào, thì những người hàng xóm lại càng nghi ngại, tránh đụng chạm mỗi khi chúng tôi tiếp xúc hỏi chuyện. Họ bảo, không nói về chuyện này nữa, bởi dù sao, chúng tôi cũng là hàng xóm với nhau cả nên chẳng bới móc thêm chuyện buồn này làm gì nữa.   

Dương Công Hợp