.
Ký sự pháp đình:

22 năm ẩn mình trên biển

Thứ Sáu, 16/05/2014, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày đầu năm 2008, vợ con của Đoàn Trung Thành ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bỗng nhiên đón những vị khách không mời mà đến. Cuộc tiếp đón những vị khách có sắc phục lẫn không sắc phục công an diễn ra trong sự bất ngờ, e dè và nghi ngại của gia chủ...

Đoàn Văn Thỏa trước lúc trốn thoát.
Đoàn Văn Thỏa trước lúc trốn thoát.

Ẩn mình trên biển

Tạm gạt qua hình ảnh về người chồng, người cha cần cù, chịu thương chịu khó, lam lũ yêu vợ thương con, gia chủ gồm người vợ và 3 đứa con vừa bàng hoàng vừa lần lượt xâu chuỗi lại những chuyện đã qua. Họ đâm ra nghi ngờ vì sao bấy lâu nay chồng, cha mình rất ít khi ở nhà? Câu chuyện về một phạm nhân bỏ trốn trại giam từ đây dần hé lộ.

Đoàn Trung Thành, tên thật là Đoàn Văn Thỏa (SN 1970) ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch. Đó chỉ là một cái tên giả, một cái “vỏ bọc” cho Thỏa thoát khỏi sự truy bắt của công an suốt hơn 2 thập niên chạy trốn. Năm 1989, tức là năm mới 19 tuổi, Đoàn Văn Thỏa đã bị kết án 7 năm 9 tháng tù giam về 3 tội “trộm cắp tài sản”, “công nhiên chiếm đoạt tài sản công dân” và tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Những tưởng, với mức hình phạt đó sẽ khiến y hồi tâm chuyển ý, tu dưỡng, rèn luyện để phục thiện. Nhưng không. Năm 1992, trong lúc đi lấy củi (khi đang thi hành án tại Trại giam Đồng Sơn) lợi dụng sự sơ hở, Thỏa đã trốn thoát. Nhằm trốn khỏi sự truy bắt của công an, y liền vào Bình Định xin đi đánh bắt cá trên biển. Được khoảng 6 tháng, chưa yên tâm, y tiếp tục trốn ra đảo Phú Quốc. Một năm sau, Thỏa tiếp tục di chuyển đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) bấy giờ là vùng đất hoang vu. Định cư ở đây là cư dân tứ xứ di cư đến sinh cơ lập nghiệp làm kinh tế mới. Lợi dụng việc quản lý và đăng ký hộ khẩu chưa chặt chẽ, Thỏa đã đổi tên thành Đoàn Trung Thành. Y hi vọng, sống trên mảnh đất mới cùng với cái vỏ bọc giả tạo này sẽ xóa bỏ được quá khứ bất hảo của mình và tránh được sự truy bắt của công an. Đến năm 1998, Thỏa lập gia đình.

Sau lần truy bắt không thành năm 2008, Thỏa tiếp tục bán nhà, chuyển đến sống hẳn ở nhà ngoại (ở xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cách đó 10km. Và cũng từ đó, y gần như sống hẳn trên tàu đánh cá. Thi thoảng lắm, lợi dụng lúc đêm khuya, y mới về thăm vợ con.

Ngày 5-5-2012, chuyên án 030C được lập lại, nhằm truy bắt Đoàn Văn Thỏa. Từ những thông tin ban đầu, Tổ công tác phòng PC52, Công an tỉnh đã vào huyện Xuyên Mộc và xác định được tàu đánh cá ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) mà Thỏa đang đánh bắt cá và lẩn trốn. Do đây là tàu đánh bắt xa bờ, thời gian cập bến chỉ trong vòng 2,3 ngày nên việc tiếp cận và bắt giữ Đoàn Văn Thỏa vô cùng khó khăn. Tổ công tác lại tiếp tục chờ đợi và theo dõi.

Sáng 22-3-2014, chiếc tàu đánh cá mà Đoàn Văn Thỏa đang đánh bắt cá để lẩn trốn từ từ cập bến. Tổ công tác do thiếu tá Hoàng Tiểu Phương, Tổ trưởng tổ chuyên án xuống tàu mời Đoàn Văn Thỏa lên UBND thị trấn Long Hải làm việc. Tuy nhiên, y nhất quyết không thừa nhận mình là Đoàn Văn Thỏa. Y bảo rằng: Chắc có sự nhầm lẫn gì đây chứ mình là Đoàn Trung Thành. Cuộc đấu trí kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Các biện pháp nghiệp vụ được các chiến sĩ công an vận dụng nhằm thuyết phục đối tượng. Khi nghe các chiến sĩ công an bảo sẽ đưa vợ con y đến để nhận mặt, mặt y dần dần biến sắc. Cuối cùng, trước những chứng cứ rành rành bằng hình ảnh và dấu vân tay, y buộc phải cúi đầu thừa nhận.

Ám ảnh ác mộng bị truy bắt

Hơn một tháng sau ngày bị bắt, hôm gặp tôi tại Trại giam Đồng Sơn, Thỏa vẫn tiếp tục bị giám sát chặt chẽ của các giám thị. Gương mặt lẫn ánh mắt có vẻ mệt mỏi, y đưa đôi bàn tay run run đầy những nốt u sần bảo là bị bệnh gút suốt mấy năm nay. Lúc ở trên tàu đánh cá, chỉ ăn rau cỏ và một ít dăm bông khô thôi. Nhưng đâu chỉ có nỗi đau thể xác, suốt 22 năm trốn chạy với y là cơn ác mộng dài. Chưa một ngày, y nguôi quên nỗi ám ảnh sẽ có lúc mình bị bắt. Nó ám ảnh và hành hạ y cả trong giấc ngủ.

Ngày bị bắt, Thỏa trút tất cả thù hận lên kẻ thù vô hình là cuộc đời này. Ngày đầu tiên ở tù, Thỏa liền nhờ một người bạn tù xăm lên cánh tay mình dòng chữ “Kiếp nghèo, hận đời”. Một thời gian sau, khi nỗi uất hận nguôi ngoai, Thỏa xăm tiếp số 89 để ghi nhớ cái mốc thời gian tội lỗi này. Thỏa kể, làm như thế để có quyết tâm làm lại cuộc đời. Cũng tại vì nhà nghèo quá, đói quá mà phải đi ăn trộm. Rình mò, theo dõi, trộm không được lại đi cướp giật, cưỡng đoạt của cải của người khác. “Tui bỏ học lớp 7, nên nhận thức chỉ đến rứa thôi...” Đôi mắt Thỏa cụp xuống, nặng nề đưa cánh tay xăm số 89 cho tôi xem. Vẻ như, qua chừng đó thời gian dấu vết tội lỗi trên cánh tay Thỏa vẫn chưa hề phai nhạt.

Không ai hay biết ý nghĩa của nó, kể cả người vợ tay ấp má kề suốt mười mấy năm trời. “Cũng có lúc vợ hỏi gốc gác và chuyện quê nhà nhưng tui chỉ nói xạo cho qua chuyện. Khốn nỗi gia cảnh cũng nghèo khó nên chuyện về quê nội cũng ít khi vợ nhắc đến”.

Hơn 22 năm lẩn trốn, ngày bố mẹ mất, Thỏa không biết. Phải một thời gian dài sau đó, Thỏa mới lén lút trở về thắp hương cho trọn đạo làm con. Nói đến đây, đôi mắt Thỏa ngân ngấn nước. Cũng phải thôi. Gần nửa đời người, mái tóc đã có sợi bạc, chưa một lần, Thỏa có dịp báo hiếu cho bố mẹ.

“Ngày bị bắt, nhìn vợ và 4 đứa con nheo nhóc còn tuổi ăn tuổi lớn, thằng út mới hơn 1 tuổi, tui chẳng biết nói gì. Mà biết nói gì được kia chứ. Chỉ biết sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về cùng vợ con”. Thỏa kể với tôi mà cứ như tự thú tội...

Dương Công Hợp