.
Phúc Trạch (Bố Trạch):

Đại công trường khai thác đá

.
09:48, Thứ Hai, 12/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Vùng đệm Phong Nha – Kẻ Bàng có chức năng giảm các tác động tiêu cực từ bên ngoài tới vườn quốc gia, đất đai và các nguồn tài nguyên vùng đệm do chính quyền địa phương các cấp quản lý. Thế nhưng khu vực núi đá vôi tại đồng Phôốc Mông, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi quá trình khai thác đá bừa bãi...

Ngay ở lối vào của con đường nối thôn 3 Phúc Đồng và thôn 4 Thanh Sen (Phúc Trạch, Bố Trạch), nơi có tấm biển đề “Nghiêm cấm khai thác, sản xuất vật liệu đá, nghiêm cấm các loại phương tiện ra vào vận chuyển đá” lại là một bãi tập kết đá thành phẩm. Đi sâu vào con đường, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc xe ô tô nối đuôi nhau vận chuyển đá ngược ra phía đường Hồ Chí Minh. Và chỉ trên một đoạn đường dài vài km, chúng tôi đếm được hàng chục điểm khai thác đá với lán trại, máy móc và nhân công… công khai nổ mìn phá đá và vận chuyển sản phẩm.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước thời điểm công bố quy hoạch các xã vùng đệm, tại khu vực đồng Phôốc  Mông, xã phúc Trạch có một doanh nghiệp tư nhân được cấp phép khai thác đá. Sau khi quy hoạch các xã vùng đệm được công bố, trong đó huyện Bố Trạch có các xã Hưng Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch, Phú Định, Tân Trạch, Thượng Trạch, doanh nghiệp này đã chấm dứt việc khai thác đá.

Thế nhưng trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác đá trái phép vẫn ngang nhiên diễn ra và không hề gặp phải trở ngại nào. Và cũng theo phản ánh của người dân, lý do để công trường này vẫn tồn tại là để “giải quyết việc làm” cho một số hộ dân trên địa bàn!?

Công trường khai thác đá. Ảnh P. V
Công trường khai thác đá. Ảnh P. V

Có thể khẳng định rằng, tất cả các cá nhân tham gia khai thác đá tại khu vực này đều ý thức được việc làm của mình là trái phép. Song “vì miếng cơm manh áo, với lại chính quyền địa phương cũng không căng lắm trong quá trình quản lý, nên chúng tôi liều thôi!”, một “ông chủ” công trường cho biết. Thực trạng này tồn tại đã nhiều năm và người dân sống quanh khu vực này thường xuyên nghe tiếng nổ mìn phá đá, tiếng máy xay, máy khoan… hoạt động cũng như chứng kiến xe ô tô hàng ngày chở đá, thế nhưng chính quyền địa phương thì “vẫn không hay biết”.

 

Với lượng xe máy hùng hậu cùng mấy chục điểm khai thác đá lớn nhỏ trên đoạn đường vài km, nếu gọi đây là một “đại công trường” khai thác đá cũng không sai. Và nhìn những vách núi bị khoét sâu, tróc lở, trơ ra màu đá trắng, không còn bóng dáng cây cối mới thấy sự tàn phá của những người thiếu ý thức cũng như sự thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại là đáng báo động.

Từ những thực tế về nạn khai thác đá trái phép đang diễn ra tại khu vực đồng Phôốc Mông, đề nghị các cơ quan có liên quan và chính quyền xã Phúc Trạch cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

                                                                     Nhóm P.V (thực hiện)
 

,