.

Chấp hành viên không bằng tốt nghiệp THPT

.
09:48, Thứ Ba, 14/06/2011 (GMT+7)

Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh (38 tuổi), hiện công tác tại Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Lệ Thủy; vụ việc được các cơ quan chức năng địa phương bao che nên gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Chưa tốt nghiệp vì điều kiện khách quan?

Trong thời gian qua, dư luận tại huyện Lệ Thủy xôn xao việc một cán bộ thực thi pháp luật đã lớn tuổi tại địa phương phải đi học lớp 12. Tìm hiểu chúng tôi được biết chính là bà Nguyễn Thị Thanh, điều bất ngờ hơn là bà đã được bổ nhiệm chấp hành viên từ năm 2005.

Theo đơn trình bày của bà Thanh, năm 1990 bà đã học xong chương trình 12/12 nhưng do điều kiện khách quan nên không có bằng tốt nghiệp cấp 3 (nay là THPT). Sau đó bà đi học ở Trường trung học Phát thanh- Truyền hình (Thường Tín, Hà Tây cũ; giờ là Trường CĐ Truyền hình); lúc làm hồ sơ thi vào học, nhà trường không yêu cầu có bằng tốt nghiệp cấp 3 mà chỉ cần giấy xác nhận học xong chương trình 12/12 và có học bạ kèm theo thì đủ tiêu chuẩn thi vào học.

Bà đã thi đậu và tốt nghiệp vào tháng 5.1993. Đến tháng 10.1993 thì bà được nhận vào làm văn thư, đánh máy, thủ kho tại Đội THA  huyện Lệ Thủy. 5 năm sau, bà được cơ quan cho đi thi và học lớp đại học Luật tại chức K3 do Trường ĐH Luật Hà Nội mở tại tỉnh.

Theo quy định của nhà trường, thí sinh phải có bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc bằng trung cấp chuyên nghiệp và bà Thanh có bằng trung cấp. Năm 2002 bà tốt nghiệp và được cấp bằng đại học Luật. Sau đó bà được chuyển ngạch chuyên viên rồi tiếp tục được cơ quan cho đi học lớp nghiệp vụ THA và lớp quản lý nhà nước tại Hà Nội.

Năm 2003, bà được cho làm hồ sơ bổ nhiệm chấp hành viên. Lúc này bắt đầu có đơn kiện nên phải 2 năm sau, bà Thanh mới chính thức được bổ nhiệm chấp hành viên THADS huyện Lệ Thủy. “Con đường hoan lộ” của bà Thanh sẽ quá thuận lợi và nhanh chóng nếu khi được cho làm hồ sơ bổ nhiệm chấp hành viên không có đơn tố giác việc bà chưa tốt nghiệp THPT. Việc bổ nhiệm chỉ tạm dừng và kéo dài thời gian thôi.

Có được điều này chính nhờ sự bao che của THADS huyện Lệ Thủy cũng như cấp tỉnh và cả hội đồng bổ nhiệm. Năm 2009, thông tin bà Thanh được cân nhắc, cơ cấu lên vị trí lãnh đạo một lần nữa dấy lên sự phẫn nộ của nhân dân địa phương cũng như cán bộ ngành THA. Thế nhưng không hiểu sao một lần nữa bà tiếp tục được ưu ái (?!).

Tháng 6.2009, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy có công văn trả lời là “nội dung tố cáo không đúng”. Cậy vào đó, bà Thanh và các vị lãnh đạo tại ngành THA càng có thái độ thách thức dư luận hơn. Lý lẽ họ đưa ra là: đã học xong chương trình THPT nhưng do đau ốm nên không thi tốt nghiệp được và có bằng trung cấp, có bằng trung cấp thì được học đại học Luật.

Thẻ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của bà Thanh. Ảnh T.Q.N
Thẻ dự thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của bà Thanh. Ảnh T.Q.N

 

Một người xin được giấu tên cho biết: thực chất bà Thanh thi trật tốt nghiệp THPT và lợi dụng thời điểm năm 1990 là Trường trung học Phát thanh - Truyền hình, nguồn tuyển sinh đầu vào chủ yếu do đài PT-TH các tỉnh gửi về dự tuyển để “lách” hồ sơ.

Gian dối

Dù có bằng gì đi nữa, nhưng xét ngược lại từ gốc thì việc bà Thanh chưa tốt nghiệp THPT là sự gian dối và các bằng cấp sau đó đều không có giá trị. Chính vì vậy, trong công văn trả lời cơ quan THADS tỉnh vào tháng 8.2009, Trường CĐ Truyền hình đã nói rõ: “Bà Nguyễn Thị Thanh tham gia học tập tại trường từ năm 1990 đến tháng 5 năm 1993, điều kiện học sinh dự thi vào trường phải tốt nghiệp cấp 3.

Do thời gian quá lâu, theo quy định hồ sơ lưu giữ tuyển sinh đã hủy bỏ, việc xác minh có hay không bằng tốt nghiệp THPT của bà Thanh hiện nay nhà trường không thực hiện được. Vì vậy, nếu bà Thanh không xuất trình được bằng tốt nghiệp THPT trước cơ quan pháp luật thì nhà trường báo cáo Bộ GD-ĐT và ra quyết định hủy bỏ số hiệu bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp đã cấp cho bà Thanh”.

Thật kỳ lạ, khi thấy tình hình có vẻ “nguy” nên sau đó ông Phạm Văn Lãnh, Trưởng cơ quan THADS tỉnh tiếp tục có công văn gửi Trường CĐ Truyền hình để rồi tháng 11.2009, trường này có công văn phúc đáp: “Để đảm bảo quyền lợi của công dân, nếu bà Thanh hoàn thiện được bằng tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và không thu hồi bằng trung học chuyên nghiệp đã cấp cho bà Thanh”.

Được lãnh đạo THADS tỉnh, huyện và Trường CĐ Truyền hình “bật đèn xanh”, bà Thanh đã đi học lớp 12 khóa 2010-2011 tại Trung tâm GDTX Lệ Thủy. Trong thời gian đi học, bà Thanh vẫn được hưởng lương và mọi chế độ đầy đủ.
                                                                     Trương Quang Nam

,