Hồ Khanh làm kinh tế giỏi

  • 06:54 | Thứ Ba, 01/10/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chúng tôi có dịp lên công tác ở xã biên giới Trọng Hóa (Minh Hóa) vào những ngày cuối tháng 9. Mùa này, thời tiết vùng cao mưa tầm tã, đặc biệt ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão số 4 vừa qua khiến nước ở những con suối dâng cao, đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Anh Hồ Khanh cũng tạm gác lại việc lên rẫy, chính vì thế chúng tôi mới có cơ hội hiếm hoi gặp hai vợ chồng để được nghe kể về hành trình thoát nghèo.
 
Căn nhà sàn của gia đình anh Hồ Khanh rất chắc chắn, nằm ngay trung tâm bản La Trọng 1 xã Trọng Hóa. Hồ Khanh kể, trước đây vợ chồng anh sống trong căn nhà tạm, cuộc sống chỉ biết bám vào rừng. Ngày ngày, vợ chồng anh lại vào rừng hái măng, xuống khe xúc cá, đến mùa đót thì lên rừng hái đót, tiền kiếm được chỉ mong đủ ăn trong ngày.
 
Năm 2004, thấy Hồ Khanh năng nổ, nhiệt tình, chịu khó làm ăn, Chi bộ bản La Trọng 1 đã bồi dưỡng kết nạp Hồ Khanh vào Đảng, điều này càng thôi thúc anh vươn lên để thoát nghèo, cống hiến sức trẻ cho bản làng. Năm 2010, Hồ Khanh được tín nhiệm làm trưởng bản La Trọng 1.
 
Hơn 13 năm làm trưởng bản, anh luôn suy nghĩ phải tiên phong, đi đầu trong mọi phong trào, nhất là phải thoát nghèo. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, khuyến khích trồng rừng, phát triển chăn nuôi, gia đình anh bắt tay vào trồng rừng kinh tế. Với số đất được giao, vợ chồng anh trồng trên 2 vạn cây keo lai. Cần mẫn chăm sóc sau gần 5 năm, vụ đầu tiên thu hoạch được 70 triệu đồng. Bước vào vụ trồng rừng sau khai thác, anh tận dụng đất trồng rừng năm đầu tiên gieo được một vụ lúa rẫy để tự túc lương thực.
Anh Hồ Khanh kể chuyện làm kinh tế với bà con dân bản.
Anh Hồ Khanh kể chuyện làm kinh tế với bà con dân bản.
Hồ Khanh cũng là người tiên phong nhận cây dổi về trồng khi có chủ trương hỗ trợ của Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa. Anh mạnh dạn quy hoạch đất, làm hàng rào bảo vệ, học hỏi kỹ thuật và trồng 270 cây dổi. Đến  nay, vườn dổi đã được hơn 4 năm, phát triển rất tốt, sắp cho thu hoạch hạt. Anh còn vận động hàng chục hộ dân trong bản và các bản khác tham gia dự án trồng cây dổi.
 
Hồ Khanh còn xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn bản địa, trong chuồng lúc nào cũng có lợn nái đẻ và 15-20 con lợn thịt, mỗi năm trừ chi phí thu về 30-40 triệu đồng. Anh cũng chăn nuôi bò, nuôi gà thả vườn, trồng lúa nước, trồng rau các loại để tự túc lương thực, thực phẩm, có của ăn của để dành, nuôi con cái ăn học.
 
Năm 2020 khi thấy cuộc sống gia đình ổn định, Hồ Khanh quyết định viết đơn tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo và đã được UBND huyện Minh Hóa tặng giấy khen vì có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Anh Hồ Khanh chia sẻ: “Vợ chồng tôi thấy mình có sức khỏe, có vườn cây và mô hình chăn nuôi làm chỗ dựa về kinh tế, như vậy là mừng lắm rồi, nên tôi bàn với vợ làm đơn xin thoát nghèo để sau này Nhà nước có mô hình gì hỗ trợ thì nhường cho các hộ nghèo khác.”
 
Năng động, chịu khó trong phát triển kinh tế, với vai trò Phó Bí thư Chi bộ bản La Trọng 1, anh luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy ước, hương ước của bản, thi đua phát triển kinh tế, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giúp đỡ bà con trong bản chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi phù hợp nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên cải thiện cuộc sống.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi cho biết: “Anh Hồ Khanh là một trong số ít người Bru-Vân Kiều năng động, dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, sống mẫu mực và hòa thuận với bà con dân bản. Ngoài ra, anh luôn gần dân, là trung tâm đoàn kết, tích cực vận động tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương; xứng đáng là tấm gương để bà con dân bản học tập, làm theo.
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Phối hợp kiểm tra lĩnh vực chăn nuôi, thú y

(QBĐT) - Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, chi cục đã thực hiện 4 cuộc kiểm tra đối với 101 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y, quản lý các hoạt động về thú y.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mùa mưa lũ

(QBĐT) - Hiện đang bước vào mùa mưa lũ. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh động vật dễ phát sinh, lây lan. Vì vậy, công tác bảo vệ, giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện.

Nỗ lực quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản

(QBĐT) - Năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025, chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Bình nỗ lực vượt bậc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.