Xây dựng vườn mẫu: Cơ hội và thách thức
(QBĐT) - Kinh tế vườn có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu nhập từ vườn chiếm từ 50-80% thu nhập của gia đình, vườn không chỉ tạo nên những làng quê trù phú, xanh-sạch-đẹp mà còn góp phần hoàn thiện tiêu chí thu nhập và nâng tầm nông thôn mới (NTM) hiện nay.
Từng bước hiện đại các vườn mẫu
Ông Hoàng Văn Mịn, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, những năm qua, Hội Làm vườn tỉnh đã hỗ trợ các địa phương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Quá trình hỗ trợ, hội đã hướng dẫn, khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế vườn và từng bước hiện đại các mô hình vườn mẫu.
Hiện nay, khoa học-công nghệ đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng suất, giá trị sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, hàng năm hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các hội viên ở các địa phương.
Ngoài việc hướng dẫn các hội viên cải tạo, xây dựng vườn mẫu theo các tiêu chí vườn mẫu đạt chuẩn NTM, các lớp tập huấn còn cập nhật kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới để giới thiệu đến các hội viên, như: Sản xuất rau trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, chăn nuôi khép kín CNC, sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn... Sau tập huấn, nếu hội viên có nhu cầu chuyển đổi phương thức sản xuất, hội sẽ hỗ trợ hướng dẫn giúp bà con xây dựng mô hình hoàn chỉnh, khoa học.
Để khuyến khích hội viên mạnh dạn chuyển đổi phương thức truyền thống sang sản xuất nông nghiệp CNC, hội cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí để các hội viên đầu tư máy móc, trang thiết bị. Tùy vào diện tích, quy mô mỗi vườn, các chủ thể sẽ được hỗ trợ từ 15-25 triệu đồng/vườn. Từ năm 2020 đến nay, hội đã hỗ trợ cho khoảng 20 vườn, với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng.
Nhờ được hỗ trợ, tư vấn, nhiều hội viên đã cải tạo, xây dựng thành công các mô hình vườn mẫu. Nhiều vườn mẫu không chỉ đạt tiêu chí về thẩm mỹ, xanh-sạch-đẹp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, với nguồn thu lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Có thể nói, phong trào xây dựng vườn mẫu đang từng bước thay đổi tư duy làm kinh tế vườn của các hội viên theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ để nâng cao giá trị.
Phát huy những kết quả đạt được, hội sẽ tiếp tục phát động phong trào sản xuất, xây dựng vườn mẫu, trong đó chú trọng khuyến khích các hội viên phát triển mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp sinh thái du lịch. Song song với đó, đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn qua đó giúp các vườn sớm hoàn thành các tiêu chí để được công nhận vườn mẫu đạt chuẩn NTM.
Đ.N (thực hiện)
Nhiều khó khăn trong xây dựng vườn mẫu
Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND TX. Ba Đồn
Có rất nhiều lợi ích từ việc xây dựng mô hình vườn mẫu NTM. Đặc biệt là các mô hình vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông hộ, vừa tạo cảnh quan nông thôn trù phú, sạch, đẹp hơn, đây là tiêu chí quan trọng để các thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.
Từ hiệu quả của những khu vườn mẫu đầu tiên được công nhận năm 2023, hiện địa phương đang tích cực vận động, khuyến khích người dân quy hoạch, chỉnh trang vườn tạp để tạo mặt bằng xây dựng, phát triển các khu vườn mẫu. TX. Ba Đồn cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các hộ dân đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình vườn mẫu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể, hỗ trợ các thủ tục cấp giấy chứng nhận sản phẩm, sơ đồ vườn mẫu; hỗ trợ 10 triệu đồng khi vườn đạt chuẩn… Địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ quan tích cực hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp liên quan xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của địa phương để nâng cao giá trị, đưa các sản phẩm từ vườn mẫu của nông dân tiêu thụ ở các cửa hàng thương mại, siêu thị trong và ngoài địa bàn.
Hiện, địa phương đã có 9 vườn được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu NTM. Tuy nhiên, do địa bàn các xã phần lớn nằm ở hạ lưu sông Gianh, địa hình thấp trũng, thường xuyên chịu tác động, ảnh hưởng của thiên tai nhất là các đợt lũ, lụt nên việc xây dựng vườn mẫu vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi người dân chưa mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất như nhà màng, nhà lưới vì sợ thiệt hại sau thiên tai... So với các ngành nghề khác tại địa phương thì sản xuất nông nghiệp truyền thống có hiệu quả kinh tế thấp hơn nên công tác đầu tư xây dựng cũng như thực hiện và phát triển kinh tế từ vườn mẫu còn hạn chế, chỉ tập trung ở một số hộ thuần nông. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong trồng trọt và chăn nuôi quy mô hộ gia đình đòi hỏi chi phí cao nên người dân chưa mặn mà; nhiều vườn mẫu vẫn còn theo kiểu “tự cung, tự cấp” là chính chứ chưa hướng đến hàng hóa, kinh doanh ổn định…
TH.Hoa (thực hiện)
“Sổ hưu” của các cặp vợ chồng khi về già
Ông Lê Thế Tào, thôn Thái Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy)
Phong trào xây dựng vườn mẫu NTM không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, hình thành nếp lao động, sản xuất khoa học, sử dụng quỹ đất đạt hiệu quả cao mà còn góp phần nâng cao thu nhập hộ gia đình. Một khu vườn sạch sẽ, gọn gàng, khi sản xuất sẽ tạo cảm giác như đang thư giãn, vận động thể lực, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đất vườn gia đình tôi khá rộng nhưng chủ yếu trồng cây sắn. Từ khoảng năm 1993 thì gia đình bắt đầu trồng cây ăn quả như cam, ổi… nhưng chỉ trồng với số lượng ít, tiện đâu trồng đấy, không có quy hoạch nên việc chăm sóc khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2018, thực hiện chủ trương và hướng dẫn của UBND xã Mai Thủy về cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế, tôi đã cùng gia đình tiến hành cải tạo lại khu vườn, trồng các loại cây: Ổi, bưởi da xanh, cam chanh Hà Tĩnh, hồ tiêu… Bên cạnh đó, gia đình cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu theo công nghệ Israel để tiết kiệm nước, nhân công lao động và đem lại hiệu quả cao.
Năm 2022, gia đình bắt đầu tham gia xây dựng mô hình vườn mẫu NTM và hiện đã được huyện thẩm định, đánh giá đạt các tiêu chí vườn mẫu. Tham gia mô hình này, ngoài việc quy hoạch lại hệ thống vườn, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả, gia đình tôi cũng thường xuyên vệ sinh khu vườn, cắt tỉa cây cối tạo khuôn viên vườn luôn gọn gàng, sạch sẽ. Đặc biệt, trong quá trình trồng cây ăn quả, gia đình không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay vào đó là dùng rơm rạ để phủ gốc cây, hạn chế cỏ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ nên cây cối phát triển tốt, sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí xanh, sạch, an toàn nên được nhiều người ưa chuộng. Nhờ môi trường trong lành, mát mẻ nên hàng trăm con chim yến đã về đây làm tổ, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Với diện tích vườn hơn 4.000 m2, gia đình đã trồng 250 gốc ổi Đài Loan, 125 gốc tiêu, 40 cây bưởi da xanh và bưởi Phúc Trạch... Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu lời gần 150 triệu đồng từ các sản phẩm vườn nhà. Xây dựng vườn mẫu đã giúp vợ chồng tôi nhìn thấy tương lai tuổi già của mình, chăm sóc vườn mẫu không mất nhiều công sức mà vẫn cho thu nhập đều đặn, nó như là “sổ hưu” của các cặp vợ chồng già như chúng tôi.
Thanh Hoa (thực hiện)