Khơi dậy tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(QBĐT) - Minh Hóa là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống và cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Ðây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chuyên môn xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.
Giữa tháng 8/2024, huyện Minh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp tổ chức đoàn khảo sát sản phẩm du lịch vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn xã Trọng Hóa. Trong quá trình khảo sát, đoàn đã đi thực địa tại các điểm có tiềm năng du lịch trên địa bàn xã như đi thuyền trên hồ thủy điện La Trọng và tìm hiểu những phong tục tập quán của dân tộc Chứt tại bản Dộ-Tà Vờng.
Địa bàn xã Trọng Hóa là nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Kinh, Chứt, Bru-Vân Kiều với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc. Cùng với đó là một nền ẩm thực độc đáo và mới lạ cho du khách khám phá. Đây cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp hòa quyện giữa núi rừng, sông suối mang nét đặc trưng của các bản làng truyền thống vùng cao biên giới. Riêng hồ thủy điện La Trọng có chiều dài gần 7km, diện tích mặt nước khoảng 180ha. Ấn tượng ở hồ thủy điện La Trọng là dòng nước trong xanh uốn lượn, hai bên là những khu rừng nguyên sinh tạo nên khung cảnh “sơn thủy hữu tình”.
Tiếp đó, đoàn tiếp tục tìm hiểu những phong tục tập quán gắn liền với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào tại lễ buộc chỉ cổ tay của người Chứt, khám phá văn hóa ẩm thực tại địa phương. Tại bản có nhiều ngôi nhà sàn to đẹp, có khả năng làm nơi lưu trú cho du khách. Những sản phẩm này sẽ có vai trò quan trọng trong xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ cho bản Dộ-Tà Vờng trong thời gian tới, nhất là du lịch cộng đồng với dịch vụ homestay, trải nghiệm văn hóa bản địa, du thuyền câu cá, ngắm cảnh...
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Minh Hóa Đinh Bình Luận cho biết, chương trình nằm trong kế hoạch của huyện về thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, khơi dậy tiềm năng du lịch vùng ĐBDTTS. Đối với kế hoạch phát triển du lịch tại xã Trọng Hóa, thời gian tới, phòng sẽ có kế hoạch tham mưu UBND huyện và kêu gọi các đơn vị làm du lịch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch với các mô hình trải nghiệm thiên nhiên cũng như tìm hiểu, thưởng thức những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của đồng bào Chứt nơi đây.
Qua 2 ngày khảo sát, các cơ quan chuyên môn cũng như các nhà quản lý, kinh doanh dịch vụ, du lịch đánh giá cao tiềm năng phát triển ở Trọng Hóa. Đặc biệt, cộng đồng dân cư ở đây vẫn còn giữ được những giá trị về tự nhiên, văn hóa truyền thống... Đây không những là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương mà tương lai có thể kết nối, hình thành các chương trình du lịch đặc trưng của các vùng ĐBDTTS và miền núi trên toàn huyện Minh Hóa.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chia sẻ, địa phương kỳ vọng sau đợt khảo sát này, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Về phía địa phương, cấp ủy, chính quyền sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện có thể để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch trên địa bàn xã, qua đó sẽ góp phần cho bà con xã Trọng Hóa thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Mặc dù đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch ở xã biên giới Trọng Hóa nói riêng cũng toàn huyện Minh Hóa nói chung, tuy nhiên, như chia sẻ của bà Đặng Thị Na, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Đất Xanh, ở Minh Hóa còn nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nhất là hệ sinh thái cũng như các giá trị văn hóa cộng đồng nhưng bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn… Để đánh thức được tiềm năng lo lớn về du lịch, còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương và cả người dân bản địa.
Có thể nói, với việc tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch cho thấy quyết tâm của huyện Minh Hóa trong chiến lược phát triển “ngành công nghiệp không khói”, đó là những bước đi đúng hướng trong hành trình dài để biến tiềm năng của địa phương thành lợi thế.
X.Phú