Du lịch thích ứng thời tiết

  • 07:30 | Thứ Sáu, 27/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời tiết, mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp. Thay vì coi đây là yếu tố cản trở, nhiều địa phương đã biến thách thức này thành cơ hội bằng việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù cho mùa mưa, lũ. Những sản phẩm này không chỉ giúp duy trì hoạt động du lịch quanh năm mà còn tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho du khách. Sự sáng tạo và thích ứng thời tiết linh hoạt trở thành động lực để Quảng Bình và nhiều địa phương miền Trung hướng đến phát triển du lịch bền vững.
 
Trải nghiệm mưa Huế
 
Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), nổi tiếng với các di tích lịch sử và văn hóa, lại mang một vẻ đẹp trầm mặc và thơ mộng trong mùa mưa. Nhiều du khách tìm đến Huế vào mùa này để cảm nhận nét cổ kính trong không gian yên bình, khác biệt so với sự nhộn nhịp của mùa khô. Ngắm Đại Nội cổ kính, thưởng thức ẩm thực hay nghe ca Huế giữa dòng sông Hương trong làn mưa bàng bạc… tất cả những trải nghiệm ấy đều trở nên thú vị, độc đáo đối với du khách.
 
Mưa Huế được coi là “đặc sản” và ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế đã biến “đặc sản” thiên nhiên ấy trở thành một “đặc sản” du lịch độc đáo, hút khách. Ngay từ năm 2010, Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã đề xuất biến mưa Huế thành một nét đặc trưng du lịch. Kể từ đó, các sáng kiến này được phát triển và tích hợp vào chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo cho Huế. Những sáng kiến này bao gồm tổ chức các tuyến tham quan phù hợp với không gian mưa, như ngắm cảnh trên đồi Vọng Cảnh, Ngự Bình, hay thưởng thức mưa từ các quán cà phê, khách sạn dọc sông Hương… 
Khám phá Đại Nội Huế ngày mưa.
Khám phá Đại Nội Huế ngày mưa.
Chúng tôi có dịp đến với cố đô Huế vào những ngày mưa. Thời tiết không thuận lợi nhưng không ngăn được bước chân trải nghiệm của du khách đến với nhiều điểm du lịch nổi tiếng của cố đô. Đặc biệt, bất kể ngày mưa, lượng khách quốc tế đến tham quan Đại Nội Huế khá đông. Họ hào hứng tìm hiểu về các công trình kiến trúc cổ kính, khám phá văn hóa và thưởng thức ẩm thực của vùng đất cố đô. Đón khách quanh năm, cũng chính là điểm mạnh của du lịch Huế so với nhiều địa phương miền Trung khác.
 
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc khai thác mưa Huế không chỉ giúp mở rộng mùa du lịch mà còn tạo ra những trải nghiệm mới lạ cho du khách, góp phần thúc đẩy du lịch Huế phát triển bền vững và giảm phụ thuộc vào thời tiết. Thích ứng với thời tiết bằng việc tổ chức các hoạt động khám phá văn hóa Huế ở trong nhà vào mùa mưa cũng mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách.
 
Khám phá vùng  “rốn lũ” Quảng Bình
 
Cơn bão số 4 vào giữa tháng 9/2024 gây mưa lớn, khiến cho địa bàn xã Tân Hóa (Minh Hóa) bị ngập lụt. Thay vì phải chật vật giữa mênh mông nước lũ, người dân Tân Hóa vẫn an toàn trên những ngôi nhà phao chống lũ. Nhiều năm qua, mỗi mùa mưa về, khi nước lũ dâng cao, những ngôi nhà phao nổi lên cùng dòng nước, bảo đảm an toàn cho người dân và cũng chính là điểm nhấn hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây. Với 10 homestay thích ứng thời tiết, vốn được cải tạo từ nhà chống lũ, Tân Hóa vẫn có thể đón khách ngay cả khi nước lũ dâng cao. Chính yếu tố du lịch thích ứng với thời tiết này đã góp phần đưa Tân Hóa trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 của Tổ chức Du lịch thế giới.
 
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis) khẳng định, loại hình du lịch thích ứng thời tiết không phải xây dựng để đón khách những ngày lũ lụt mà có thể đón khách trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Dù nước lũ lên hay xuống thì vẫn sẵn sàng đón khách. Các homestay làm trên nhà phao cũng là sự thích ứng vì khi nước lên sẽ không làm hư hại thiết bị nhưng khi nước rút thì có thể sẵn sàng đón khách ngay.
Chèo thuyền khám phá Tân Hóa trong những ngày mưa lũ.
Chèo thuyền khám phá Tân Hóa trong những ngày mưa lũ.
Du khách đến Tân Hóa vào mùa lũ có cơ hội được ở trong những ngôi nhà phao, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương, tạo ra cảm giác gần gũi và độc đáo. Trong trận lũ vừa qua, khi nước bao quanh cả xóm làng Tân Hóa đã biến những con sông lũ thành tuyến du lịch, cho phép du khách chèo thuyền qua những làng mạc ngập nước. Khách đến Tân Hóa vào những ngày này có thể di chuyển vào khu lưu trú Tú Làn Lodge bằng thuyền, sau đó đi tới nhà dân bằng kayak hoặc SUP. Đây là trải nghiệm đặc biệt, khi du khách có thể cảm nhận được cuộc sống của người dân địa phương trong mùa nước lớn, vừa hồi hộp, thú vị và đầy khác biệt.
 
Anh Võ Quang Bổng, một du khách đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu có tình cảm đặc biệt với vùng quê Tân Hóa khi bản thân anh đã đặt chân đến đây 6 lần. Có những chuyến đi kéo dài cả tháng trời. Dịp này, anh quyết định về Tân Hóa ngay khi mùa mưa vừa bắt đầu, để có thể cảm nhận làng quê này ở một góc nhìn thật khác. Khi nước lũ dâng cao, anh chèo thuyền vào làng, cảm nhận cuộc sống người dân trong những ngày mưa lũ, rồi trải nghiệm sống trên những ngôi nhà phao đặc biệt, khám phá Tân Hóa vốn đã rất thân thuộc bằng cách mới mẻ hơn. “Quê tôi không có lũ lụt nên khi sống ở Tân Hóa trong những ngày này thực sự rất đặc biệt. Giữa mênh mông nước, cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường trên những ngôi nhà phao, với đầy đủ lương thực thực phẩm tích trữ, giúp người dân có thể sống lạc quan, bình thường trong nhiều ngày. Chính điều đó cũng khiến tôi yêu quý thêm mảnh đất này”, anh Bổng chia sẻ.
 
Thích ứng an toàn
 
Biến bất lợi thành lợi thế và thích ứng an toàn trong mưa lũ để sáng tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng là chiến lược mà nhiều địa phương miền Trung đang áp dụng. Điều này không chỉ giúp duy trì du lịch quanh năm mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách. TP.
 
Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Nguyễn Châu Á khẳng định: “Về cơ bản thì du lịch thích ứng thời tiết là thích ứng cho cả mùa chứ không phải chỉ mấy ngày lụt lên. Khi chúng ta quen với lũ lụt và tìm cách thích ứng thì lũ lụt trở nên bình thường. Chúng ta nói về du lịch thích ứng thời tiết để cho du khách thấy lúc nào Tân Hóa cũng có thể đón khách được. Chúng tôi muốn mọi người xem lũ lụt ở Tân Hóa là bình thường và khi nước rút đi thì mọi thứ cũng trở lại bình thường một cách nhanh nhất”. 

Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã phát triển một số sản phẩm du lịch để thích nghi với thời tiết mưa nhiều vào mùa thu đông. Trong mùa mưa lũ, phố cổ Hội An thường bị ngập lụt, tạo điều kiện cho các tour du lịch bằng thuyền trong khu phố cổ, một trải nghiệm độc đáo thu hút khách quốc tế. Nhiều hoạt động văn hóa trong nhà cũng được tổ chức để du khách có thêm trải nghiệm. TP. Đà Nẵng cũng đầu tư nhiều dịch vụ, cung cấp trải nghiệm nghỉ dưỡng an toàn cho du khách vào mùa mưa.

Mùa mưa cũng là thời điểm mà du khách có thể tham gia vào các hoạt động trekking, khám phá. Tuy nhiên, một khi đưa ra các sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, yếu tố an toàn cho du khách cần phải đặt lên hàng đầu. Hệ thống cảnh báo thời tiết, các thông tin an toàn luôn được cập nhật thường xuyên để du khách có thể lên kế hoạch. Các điểm du lịch cũng cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thoát nước và các phương tiện di chuyển bảo đảm an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự du lịch cần được đào tạo kỹ lưỡng về an toàn, kỹ năng sơ cứu và ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thời tiết.
Diệu Hương

tin liên quan

Bố trí trên 11 tỷ đồng cho chương trình OCOP

(QBĐT) - Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã quan tâm cấp nguồn ngân sách để triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".  
 

Giải pháp giảm phát thải nhà kính trong nông nghiệp

(QBĐT) - Ngày 26/9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm "Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp".
 

Tổng nguồn vốn của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đạt trên 8.000 tỷ đồng

(QBĐT) - Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 8.126 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm.