Ưu tiên phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp

  • 07:41 | Thứ Tư, 14/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tăng trưởng bền vững, hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã huy động mọi nguồn lực, tích cực đẩy mạnh phát triển các ngành nghề CN-TTCN…
 
Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 
Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh cho biết: Liên Thủy là xã có thế mạnh về phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn (NNNT). Hiện, địa phương đã duy trì và phát triển gần 50 ngành nghề khác nhau, thu hút hơn 960 hộ tham gia, qua đó, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động trong thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Nhiều ngành nghề ở địa phương hoạt động hiệu quả và ngày càng phát triển, như: Mộc dân dụng, nón lá, gò hàn, khai thác vật liệu xây dựng, dịch vụ vận chuyển, giải trí, chế biến sản phẩm nông sản, xây dựng hạ tầng…; qua đó, đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
 
“Tuy nhiên, quy mô cơ sở sản xuất CN-TTCN còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện được quy hoạch sản xuất và phát triển mang tính ổn định lâu dài; công nghệ sản xuất giản đơn; trình độ chuyên môn và tay nghề của người lao động thấp, nguồn vốn đầu tư ít. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thị trường tiêu thụ bó hẹp; vật tư nguyên liệu đầu vào không ổn định nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường; năng lực quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh của các chủ cơ sở còn hạn chế…”, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh chia sẻ thêm.
 
Xuân Thủy là xã đồng bằng, thuộc trung tâm huyện Lệ Thủy, trong cơ cấu nền kinh tế, các ngành nghề CN-TTCN, thương mại, dịch vụ ở địa phương đã thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tạo việc làm cho người dân, góp phần đưa bình quân thu nhập đầu người ở địa phương đạt gần 58 triệu đồng/người/năm.
Nghề làm nón lá ở làng Quy Hậu, xã Liên Thủy (Lệ Thủy).
Nghề làm nón lá ở làng Quy Hậu, xã Liên Thủy (Lệ Thủy).
Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố cho hay, những năm qua, CN-TTCN ở địa phương tiếp tục có những chuyển biến mới cả về số lượng và chất lượng, việc ứng dụng cơ giới nhỏ và công cụ cải tiến vào sản xuất phục vụ đời sống liên tục tăng; các loại hình sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực CN-TTCN phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. 
 
Hiện, trên địa bàn xã có 22 công ty, hợp tác xã và hộ kinh doanh chuyên khai thác và chế biến vật liệu; 300 hộ cá thể sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề: Xay xát, may đo, mộc, nề, buôn bán tạp hóa, sản xuất nhôm kính với hơn 950 lao động… Đến nay, xã Xuân Thủy có 5 cơ sở với trên 50 lao động được hưởng chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN với tổng số tiền được hỗ trợ trực tiếp là 130 triệu đồng…
 
“Địa phương chưa có hoạt động đầu tư sản xuất CN lớn, chủ yếu chỉ phát triển TTCN ở dạng vừa và nhỏ, sản xuất chế biến theo nhu cầu thị trường. Xuân Thủy có làng nghề đan lát Xuân Bồ nhưng ngày càng bị mai một. Hiện, chỉ còn khoảng 5-7 hộ còn đan lát với quy mô nhỏ…”, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết.
 
Theo thống kê, huyện Lệ Thủy hiện có hơn 3.800 cơ sở sản xuất CN-TTCN và NNNT với hơn 7.000 lao động tham gia. Trong đó, có một số ngành nghề phát triển khá mạnh, như: Sản xuất vật liệu xây dựng, gỗ dăm, gia công nhôm kính, mộc dân dụng và mỹ nghệ cao cấp, nón lá, chổi đót, chiếu cói, mè xửng, tinh dầu, chế biến nông, lâm, thủy sản...
 
Huyện Lệ Thủy có 5 làng nghề truyền thống, làng nghề được tỉnh công nhận; 2 nhà máy CN đã đi vào hoạt động ổn định; 1 khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng đang thu hút nhiều khách tham quan, du lịch; các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo được các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn phát huy hiệu quả; đồng thời năm 2024, huyện có 12 sản phẩm TTCN được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 4 cơ sở được lựa chọn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực…
 
“Tiếp sức” phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp
 
Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy Dương Đức Nghĩa cho biết, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN và NNNT ở địa phương đang có nhiều khởi sắc, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu ngành nghề, góp phần tăng thu nhập bình quân của người lao động; đồng thời cũng là tiền đề chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế ở địa phương trong thời gian tới…
 
Một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN và NNNT giai đoạn 2021-2025 ở các đơn vị, địa phương đã được đoàn giám sát chỉ rõ, như: Việc bố trí nguồn ngân sách còn hạn hẹp; nhiều địa phương chỉ đạo còn lúng túng, chưa sâu sát, thiếu các dự án cụ thể; thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới, năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn bất cập dẫn đến sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu…

“Thực hiện các chủ trương, chính sách về chương trình khuyến công, huyện Lệ Thủy đã ban hành kịp thời quyết định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN và NNNT; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Ngoài ra, một số xã đã đưa nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN và NNNT trở thành chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương…”, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lệ Thủy thông tin.

Đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho 54 cơ sở với 602 lao động tham gia sản xuất, với số tiền hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Các ngành nghề được hỗ trợ chủ yếu là: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, mộc mỹ nghệ cao cấp, nuôi ong lấy mật, may CN, thành lập hợp tác xã, sản xuất miến gạo, nước đóng chai... Trên cơ sở được hỗ trợ, một số đơn vị, hộ gia đình đã có sự phát triển, tự đứng vững, đổi mới tư duy, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị về kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… 
 
Mới đây, HĐND huyện Lệ Thủy đã thực hiện chương trình giám sát chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN và NNNT giai đoạn 2021-2025 tại 6 đơn vị, địa phương trên địa bàn. Qua giám sát đã nhận thấy, việc xem xét, thẩm định, lựa chọn trường hợp hỗ trợ ngày càng chặt chẽ; việc xét duyệt các trường hợp hỗ trợ thực hiện đúng quy định; nguồn vốn hỗ trợ đã động viên, khuyến khích các cơ sở...
Ngọc Hải

tin liên quan

Mùa du lịch sôi động

(QBĐT) - Hàng loạt sự kiện văn hóa-thể thao-du lịch được tổ chức trong thời gian qua đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với du khách đến Quảng Bình. Các nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng đông đúc, kín lịch. Đội ngũ nhân sự du lịch cũng làm việc hết công suất. Quảng Bình đang trong mùa du lịch sôi động nhất năm. 

Cần đẩy nhanh tiến độ thi công các khu tái định cư

(QBĐT) - Hiện, ngoài các vướng mắc về bồi thường trang trại nuôi trồng thủy sản, di dời lăng mộ, hạ tầng kỹ thuật thì công tác tái định cư vẫn đang còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án (DA) thành phần 1-Đường ven biển thuộc DA Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.

Hành trình hướng tới danh lục xanh

(QBĐT) - Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đang trên hành trình hướng tới các tiêu chuẩn Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, qua đó, thể hiện thước đo trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.