Vốn chính sách thúc đẩy địa phương phát triển

  • 12:18 | Thứ Tư, 17/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.
 
Những năm qua, huyện Quảng Trạch luôn quan tâm dành một phần vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, đã giúp huyện thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm.
 
Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn NHCSXH huyện đã tập trung cho vay các chương trình về thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của huyện, xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn kịp thời, đúng quy định. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDCS; tổ chức mạng lưới ban đại diện, tổ tiết kiệm và vay vốn TDCS xã hội rộng khắp, phát huy tốt chức năng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
 
Đến ngày 31/12/2023, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện sang PGD NHCSXH huyện để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 10.190 triệu đồng. Đến tháng 4/2024 nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện đạt 14.190 triệu đồng, tăng 14.502 triệu đồng so với năm 2014. Đặc biệt, trong tháng 5/2024, UBND huyện đã chuyển 500 triệu đồng sang PGD NHCSXH để cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Vốn tín dụng chính sách thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.
Vốn tín dụng chính sách thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển.

Có thể nói, nguồn vốn đã đóng vai trò quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội...; góp phần thực hiện chương trình  mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng, ổn định chính trị, xã hội; đến cuối năm 2023, có 13/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến nay, tổng dư nợ của PGD NHCSXH huyện đạt 653.237 triệu đồng, tăng 418.856 triệu đồng so với năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng 179% với hơn 12.264 khách hàng còn dư nợ. Bình quân dư nợ 53,26 triệu đồng/khách hàng.

Không chỉ ở Quảng Trạch, nhờ phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động TDCS, các địa phương khác cũng đã gặt hái được những kết quả khả quan.

Tại Quảng Ninh, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động TDCS trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Vai trò, vị trí của TDCS trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới cũng như bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương được phát huy và đạt được một số kết quả quan trọng.
 
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động TDCS xã hội huyện Quảng Ninh đã có sự chuyển biến rõ nét. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt 564 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 560 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nợ quá hạn 62 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,01% trên tổng dư nợ tín dụng. Trên địa bàn huyện hiện có 14/15 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.
 
Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết: Là địa phương thuần nông lại thường xuyên gặp thiên tai, lũ lụt nên về cơ bản, kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn. Thu ngân sách và thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp, thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, kinh tế-xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Hiện, NHCSXH huyện có 15 điểm giao dịch được đặt tại các xã, thị trấn và 211 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, tổ dân phố, đang thực hiện 16 chương trình TDCS cho 8.600 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong 10 năm qua, có gần 20 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, qua đó, giúp nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Có thể khẳng định, TDCS xã hội do NHCSXH thực hiện là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng. Đây là công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Đ.N

tin liên quan

Hoàn thuế giá trị gia tăng trên 77 tỷ đồng

(QBĐT) - Trưởng phòng Kê khai và Kế toán thuế, Cục Thuế tỉnh Phạm Thị Hải An cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 17 bộ hồ sơ, số thuế được hoàn là 77,8 tỷ đồng. 
 

Đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW

(QBĐT) - Tròn 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã trở thành "kim chỉ nam" cho hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh.

"Đòn bẩy" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vốn vay tín dụng chính sách đã đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trên con đường thoát nghèo.