Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp
(QBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp ở tỉnh ta đang có những bước tiến mạnh mẽ, không chỉ giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nông dân thích ứng với chuyển đổi số
Thời gian qua, việc số hóa trong sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi, hiệu quả. Nhiều DN, HTX, CSSX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại, CĐS trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính; sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch giúp thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (ở xã Sơn Lộc, Bố Trạch). HTX là một trong những đơn tiên phong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước CĐS trong sản xuất để đưa sản phẩm vươn xa trên thị trường. Đến nay, để quản lý toàn bộ quy trình sản xuất, số lượng thành phẩm, theo dõi doanh thu và tiến độ phân phối các đơn hàng, HTX đã ứng dụng linh hoạt App KiotViet, phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm, quản trị sản xuất erp ROSY (quản lý nhân sự), chữ ký số, xuất hóa đơn điện tử… Các công đoạn quản lý thủ công trước đây của HTX giờ đã được thay thế bằng các phần mềm hiện đại, hiệu quả. Chỉ một vài cái click chuột trên máy tính hoặc app cài đặt trên smartphone, tất cả các thông tin về quá trình sản xuất, lượng hàng tiêu thụ, hạn sử dụng, tiến độ phân phối trên thị trường đều được hiển thị nên dễ quản lý hoạt động sản xuất của đơn vị.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nguyễn Quốc Hương cho biết: Hiện nay, HTX có 13 sản phẩm chế biến từ nấm, như: Nấm linh chi quả thể, nấm linh chi bột, trà cà gai leo linh chi, nấm sò tươi, nấm hoàng đế, nước mắm chay từ nấm… đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và có mặt tại nhiều chuỗi hệ thống siêu thị trên toàn quốc cũng như trên các trang thương mại điện tử: Buudien.vn, voso.vn, quangbinhtrade.vn…
Là một trong những người tiên phong xây dựng mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, anh Nguyễn Quang Vinh, thôn Hòa Đông, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) đã phát triển được 3.000m2 trồng rau, dưa lưới, hoa cúc.
Anh Vinh cho biết: “Trồng rau, quả trong nhà màng có nhiều ưu điểm như quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che nắng, mưa và ngăn côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, tôi còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Phương pháp này còn có lợi ích ngăn ngừa sâu bệnh bằng cách giảm thiểu tiếp xúc nước với lá, thân và hoa, giảm rửa trôi của nước và chất dinh dưỡng dưới vùng gốc; tiết kiệm chi phí lao động, thời gian sản xuất”.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là người sản xuất có thể lắp đặt hẹn giờ tưới tự động theo quy trình canh tác và cài đặt trên hệ thống thời điểm tưới, thời gian tưới cụ thể nên dù có đi công việc ở xa, hệ thống đều tự động tưới nước, bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây trồng.
Tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, để hạn chế nhân công ra vào chuồng nuôi, các chủ trang trại đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ăn, uống nước tự động, hệ thống cảm biến để kiểm soát nhiệt độ chuồng nuôi, theo dõi chăm sóc đàn vật nuôi trên máy tính hoặc qua màn hình tivi… Nhờ đó, các sản phẩm chăn nuôi chất lượng, đáp ứng yêu cầu về năng suất, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm... Trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao cũng đã bước đầu áp dụng khoa học-kỹ thuật, quản lý các yếu tố môi trường, lượng thức ăn... Việc ứng dụng phần mềm trên điện thoại cũng đã góp phần hạn chế các thiệt hại do dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng hành cùng người dân
Thời gian qua, để nông dân thay đổi tư duy và thực hiện CĐS trong sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy nông dân chủ động tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý vùng nuôi và trang trại chăn nuôi.
Trong phát triển kinh tế số, sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các DN, HTX, CSSX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, truy xuất nguồn gốc và thương mại sản phẩm. Đặc biệt tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp. Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2024, ngành NN-PTNT phấn đấu 80% sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; 30% các sản phẩm OCOP thực hiện truy xuất nguồn gốc; ứng dụng công nghệ AI xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản; mở rộng diện tích cây trồng cạn áp dụng các biện pháp tưới thông minh, tưới tiết kiệm… |
Đến nay, có 168 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (trong đó có 28 sản phẩm 4 sao, 140 sản phẩm 3 sao), 100% sản phẩm OCOP đều được đăng tải đầy đủ trên trang web: http://ocop.quangbinh. Lượng tiêu thụ các sản phẩm trên nền tảng số tăng mạnh, góp phần nâng cao kinh tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT, quá trình CĐS ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sự tham gia của DN, HTX, CSSX còn hạn chế; công nghệ số ứng dụng vào sản xuất và xúc tiến tiêu thụ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường chưa cao; xã hội số nông nghiệp, chia sẻ khai thác thông tin ngành Nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống xã hội còn nhiều bất cập; các hộ nông dân và nhiều DN, HTX, CSSX còn hạn chế trong sử dụng máy tính, thiết bị di động thông minh...
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Hiệp cho biết: CĐS trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều kết quả khả quan, không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách pháp luật để nâng cao nhận thức cho người nông dân về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, CĐS nói chung và CĐS nông nghiệp, nông thôn nói riêng; tổ chức phổ cập kỹ năng số cho nông dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn thông qua các hoạt động xã hội hóa; chú trọng thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện CĐS, tạo ra quá trình sản xuất khép kín, đồng bộ và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa.
Thanh Hoa