Nông dân được mùa "mía ngọt"
(QBĐT) - Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Bố Trạch thu hoạch mía với tâm thế phấn khởi, vui vẻ bởi mía được mùa, được giá.
Bà Nguyễn Thị Nga (thôn Sao Sa, xã Nam Trạch) là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng mía. Hiện, gia đình bà trồng 7 sào mía, cung cấp mía ép nước cho thị trường trong tỉnh.
Theo bà Nga, mía dễ trồng, ít vốn đầu tư, ít sâu bệnh, nhưng công chăm sóc khá nhiều. Cây mía sau khi trồng, người dân phải thường xuyên nhổ cỏ, tưới nước; khi cây lớn, cần bóc vỏ thường xuyên giúp mía tăng trưởng, phát triển tốt. Tuy vậy, so với những cây trồng khác, cây mía lại cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
“Tôi thấy việc trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vụ mía năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cây mía phát triển tốt, mang lại năng suất cao với 2,5 tấn/sào. Với 7 sào mía, gia đình tôi có lãi khoảng 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, lá, rễ, vỏ mía đều được tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón trong sản xuất nông nghiệp”, bà Nga phấn khởi chia sẻ.
Vụ mía năm nay, gia đình ông Hoàng Xuân Đại (thôn Sao Sa, xã Nam Trạch) trồng được 1ha. Ông Đại cho hay: “Năm nay thời tiết nắng nóng, một số cây mía bị khô ngọn, tuy nhiên về cơ bản không ảnh hưởng đến năng suất, đổi lại cây mía ngon, ngọt hơn, năng suất cao hơn năm ngoái. Mỗi sào mía năng suất đạt khoảng 3 tấn, với giá bán 3.000-3.500 đồng/kg, gia đình có thêm một khoản thu nhập khá từ mía”.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch Đoàn Ngọc Nhân cho biết: “Năm nay, toàn xã có 40ha mía được thu hoạch. Xã xác định mía là một trong ba loại cây trồng chủ lực của địa phương. Cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm thổ nhưỡng, cây mía trồng trên đất Nam Trạch thơm, ngọt hơn so với các vùng khác. Nhờ thế, cây mía Nam Trạch có sức cạnh tranh cao, không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, mía Nam Trạch còn có mặt ở các thị trường tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, TP. Đà Nẵng... Xã đang hướng tới việc trồng mía theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc trồng mía hiện nay có khó khăn do bà con nông dân phải dùng máy bơm nước từ sông, ao, hồ để tưới, trong khi vẫn có kênh mương thủy lợi đi qua địa bàn nhưng chưa có hệ thống dẫn nước tưới đến các đồng ruộng. Xã mong muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp nhằm hỗ trợ địa phương chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Toàn huyện Bố Trạch có khoảng 100ha mía, tập trung chủ yếu ở các xã: Nam Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch, Hòa Trạch… Cây mía có thời gian trồng từ khoảng tháng 6-7, thu hoạch bắt đầu từ tháng 3-8 năm sau. Nhờ thích nghi với điều kiện thời tiết nắng hạn, mía là cây trồng phù hợp với khí hậu, địa hình đất đai tại một số địa phương của huyện Bố Trạch, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ chia sẻ: “Xã hiện có hơn 12ha đất trồng mía. Năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, sản lượng gần 250 tấn. Trồng mía vốn đầu tư ít nhưng mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, mía ở đây chủ yếu cung cấp nguyên liệu ép nước uống giải khát nên diện tích trồng cũng hạn chế”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: “Cây mía có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa khoảng 3-5 lần. Do đó, các vùng trồng mía lâu đời trên địa bàn huyện vẫn được nhiều người dân duy trì, phát triển. Đây cũng là cơ sở để huyện hướng tới việc xây dựng vùng chuyên sản xuất mía nguyên liệu cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, cây mía ở đây vẫn chủ yếu bán phục vụ việc ép lấy nước uống giải khát, do đó, vùng sản xuất mía cũng cần quy hoạch diện tích bảo đảm cân đối giữa cung-cầu. Về lâu dài, ngoài việc xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu chất lượng, huyện khuyến khích các địa phương trồng mía theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị; đa dạng hóa sản phẩm bằng việc đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP từ mật mía…”.
Cát nhiên