Lan tỏa nhận thức trong tiêu dùng và sử dụng hàng Việt

  • 07:19 | Thứ Sáu, 05/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân huyện Minh Hóa nhiệt tình hưởng ứng, bước đầu nâng cao nhận thức của người dân trong tiêu dùng và sử dụng hàng Việt.
 
Để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung, cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ, cửa hàng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển hệ thống thương mại, cung ứng hàng hóa, mở rộng thị phần, đưa hàng hóa, nhất là hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng.
 
Tại Minh Hóa, những năm gần đây, huyện đã chú trọng phát triển hạ tầng, tạo môi trường lưu thông, trao đổi hàng hóa cho người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở quy hoạch, hệ thống chợ, siêu thị đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, tạo thuận lợi trong việc mua sắm tiêu dùng. Đặc biệt, thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện Minh Hóa đã tập trung triển khai các giải pháp đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
 
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa Đinh Thị Thanh Huyền, trước đây người dân trên địa bàn huyện chưa thực sự ưa chuộng hàng Việt Nam, còn chuộng hàng các nước sản xuất theo thị hiếu, chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm. Sau nhiều năm thực hiện CVĐ, ý thức tiêu dùng hàng Việt đã lan tỏa mạnh mẽ, tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường; trong đó, tại các chợ, siêu thị, cửa hàng có hơn 95% là hàng hóa sản xuất trong nước, thu hút 98% người tiêu dùng hàng Việt...
Huyện Minh Hóa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
Huyện Minh Hóa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại.
Để CVĐ lan tỏa mạnh mẽ đến toàn dân, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Minh Hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của CVĐ đến cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các DN, nhà sản xuất trên địa bàn. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu, như: Tuyên truyền qua hội nghị, các buổi sinh hoạt cộng đồng khu dân cư, các câu lạc bộ; cấp phát tờ rơi, tài liệu, các panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, truyền thông lưu động…
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Minh Hóa cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh, tạo quỹ đất để xây dựng hạ tầng, hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhãn mác, tạo đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thu hút các đơn vị, DN đầu tư trên địa bàn huyện. Cùng với đó, BCĐ huyện còn tích cực phối hợp với các ban, ngành triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về đất đai, tín dụng ưu đãi, miễn, giảm thuế... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất trên địa bàn.
 
Trong việc mua sắm trang thiết bị, huyện luôn khuyến khích các đơn vị sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất trong nước khi thẩm định dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu; khi mua sắm các mặt hàng sản xuất nước ngoài, phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đến nay việc điều trị chăm sóc sức khỏe nhân dân tại bệnh viện, trạm y tế các xã trên địa bàn sử dụng 90% thuốc sản xuất trong nước, khuyến khích nhân dân sử dụng thuốc nam, chữa trị bằng đông y…
 
Để đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện cũng đã chỉ đạo cấp phép kinh doanh bán hàng lưu động phục vụ cho người dân, ưu tiên các xã Hóa Sơn, Thượng Hóa, Trọng Hóa và Dân Hóa. Bên cạnh các hoạt động khuyến mãi hàng Việt, nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, công tác quản lý nhà nước về chất lượng, giá cả sản phẩm luôn được quan tâm. UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập các tổ kiểm tra liên ngành về chất lượng, giá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành các sở để kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua các đợt kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, xử lý, tiêu hủy các mặt hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời chấn chỉnh công tác niêm yết công khai giá theo quy định.
 
“Để hàng Việt đến tay người tiêu dùng, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan, các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn; duy trì thu hút hội chợ thương mại tại Hội rằm tháng ba Minh Hóa hàng năm và dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn huyện”, bà Đinh Thị Thanh Huyền cho biết thêm.

Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn chuộng hàng ngoại, hàng theo thị hiếu; công tác phối hợp triển khai thực hiện CVĐ giữa các cấp, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ, đồng bộ; hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường dù đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn những vấn đề bất cập; tâm lý, thói quen sính hàng ngoại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, nhất là những người có thu nhập cao. Một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn lúng túng, bị động, chưa gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao khi triển khai thực hiện CVĐ…

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa Đinh Thị Thanh Huyền cho biết thêm: Thời gian tới, để CVĐ ngày càng lan tỏa, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân, nâng cao trách nhiệm, thay đổi thói quen của người tiêu dùng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trong sản xuất, quản lý, vận động khuyến khích phát triển sản xuất; xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới…
Thanh Hoa

tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, phát triển

(QBĐT) - Gần 5 triệu lượt khách trong năm 2024, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ đón 10 triệu lượt khách, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch phấn đấu đạt 10-12% GRDP của tỉnh. Để đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn này, du lịch Quảng Bình cần phải thật sự đổi mới, sáng tạo, mang đến những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách. 

Bố Trạch: 3 nhà dân được "thần đèn" di dời, nhường mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Chiều 29/6, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) Phan Văn Trưng cho biết, để nhường mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn huyện, có 3 hộ dân trên địa bàn thị trấn đã mời "thần đèn" để thực hiện việc di dời ngôi nhà đến vị trí thích hợp.
 

Để sản phẩm đạt OCOP 5 sao

(QBĐT) - Sau 5 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), toàn tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao. Riêng sản phẩm OCOP 5 sao hiện tại vẫn còn vắng bóng và dường như là điều khó "chạm" với nhiều sản phẩm.