Khó kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên nền tảng trực tuyến

  • 09:30 | Thứ Năm, 04/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thương mại điện tử phát triển là "phao cứu sinh" đối với các doanh nghiệp nhưng cũng làm đau đầu các nhà quản lý về kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Việc một số cá nhân tận dụng các trang mạng xã hội để livestream bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với số lượng lớn diễn ra khá phổ biến.
 
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp.
 
Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, các chủ thể OCOP và cả nông dân không chỉ bán sản phẩm mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhất là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. 
 
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thương mại điện tử nói chung và hình thức kinh doanh bán hàng livestream nói riêng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm, đồ gia dụng… 
Tổng cục Quản lý thị trường mở phòng trưng bày
Tổng cục Quản lý thị trường mở phòng trưng bày "Nhận diện thực phẩm thật-giả". Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng thương mại điện tử nói chung và livestream nói riêng, các doanh nghiệp phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng.
 
Bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực: tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
 
Đặc biệt, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội, phương tiện livestream... thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng.  
 
Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên văn phòng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Nam Bình cho hay: Sau một thời gian mua hàng online, chị thấy rằng nhiều người bán hàng thường quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn giao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm. Theo chị Trang, đây chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
 
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội, các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp)... gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
 
Lý giải về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên cho rằng, các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).
 
Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng... các website thương mại điện tử, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ.
 
Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa kém chất lượng.
 
Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. 
 
Ngoài ra, trong quy trình xử lý của cơ quan chức năng là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể. Trong khi đó, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay.
 
Đó là chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn. Đặc biệt là không gian, địa chỉ ảo nên các đối tượng dễ dàng xóa bỏ thông tin, dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm... - ông Chu Xuân Kiên thông tin.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm gian lận thương mại điện tử còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được. Thực tế là số lượng website thương mại điện tử vô cùng nhiều và đa dạng mà cơ quan chức năng gần như không thể nắm bắt được.
 
Bên cạnh đó, một số website, chủ tài khoản bán hàng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ tài khoản, thu hồi tên miền, nên vẫn mặc nhiên tiếp tục hoạt động, vì lợi nhuận thu được là rất lớn so với chế tài xử phạt.
 
Về phía người tiêu dùng lại dễ dãi, dễ chấp nhận hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vì giá thành rẻ, thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng. Hoặc có những sản phẩm được bán với giá cao như hàng thật nhưng không có bảo hành, chỉ được giới thiệu là hàng xách tay nhưng người mua vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng chuyển khoản chờ nhận hàng. 
 
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử cần có sự phối hợp giữa rất nhiều cơ quan đơn vị có liên quan. Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.
 
Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube …); các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.
 
Qua đó, ngăn chặn có hiệu quả và từng bước kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.
Theo TTXVN/Báo Tin tức

tin liên quan

Bố Trạch: 3 nhà dân được "thần đèn" di dời, nhường mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Chiều 29/6, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) Phan Văn Trưng cho biết, để nhường mặt bằng xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn huyện, có 3 hộ dân trên địa bàn thị trấn đã mời "thần đèn" để thực hiện việc di dời ngôi nhà đến vị trí thích hợp.
 

Đổi mới, sáng tạo, phát triển

(QBĐT) - Gần 5 triệu lượt khách trong năm 2024, đến năm 2030, Quảng Bình sẽ đón 10 triệu lượt khách, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch phấn đấu đạt 10-12% GRDP của tỉnh. Để đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn này, du lịch Quảng Bình cần phải thật sự đổi mới, sáng tạo, mang đến những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách. 

Để sản phẩm đạt OCOP 5 sao

(QBĐT) - Sau 5 năm triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), toàn tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao. Riêng sản phẩm OCOP 5 sao hiện tại vẫn còn vắng bóng và dường như là điều khó "chạm" với nhiều sản phẩm.