Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
(QBĐT) - Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) thấp và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2024 cho các dự án là những nội dung được đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, đồng thời có ý kiến chất vấn đối với lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII.
* Đại biểu Trần Sơn Tùng, Tổ đại biểu huyện Bố Trạch chất vấn: Theo báo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 6 tháng đầu năm 2024 của sở, ngành, địa phương đạt tỷ lệ rất thấp. Đề nghị đồng chí Giám đốc sở cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của Sở KH-ĐT và các sở, ngành, địa phương có liên quan; giải pháp thời gian tới?
Đại biểu Trần Sơn Tùng cũng đã lấy ví dụ đối với 7 dự án trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp, đạt từ 0-16% để minh chứng.
* Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Sở KH-ĐT trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2024.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh giao nguồn vốn sớm cho các đơn vị, địa phương để chủ động triển khai thực hiện (trước ngày 31/12/2023). Đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ĐTC năm 2024 và tham mưu thành lập 3 tổ công tác do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn ĐTC.
Bên cạnh đó, Sở KH-ĐT tập trung đốc thúc các chủ đầu tư kịp thời; thực hiện giám sát đánh giá đầu tư dự án để đưa ra biện pháp giải quyết cho từng dự án. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.
Mặc dù UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, công tác giải ngân vốn ĐTC của tỉnh trong 6 tháng đầu năm chưa bảo đảm tiến độ đề ra như phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Đạt cho biết, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa cao, đó là: Về nguyên nhân khách quan, quy trình thực hiện dự án từ lúc triển khai các thủ tục đầu tư đến khi hoàn thành dự án thực hiện rất nhiều các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính được quy định tại nhiều luật. Về nguyên nhân chủ quan: Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn nhiều bất cập. Một số dự án triển khai từ năm 2021 đến nay đơn giá GPMB đã có nhiều thay đổi làm tăng chi phí GPMB, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, ảnh hướng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.
Năng lực một số đơn vị tư vấn, xây lắp còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 kéo dài sang năm 2024 của tỉnh tương đối lớn, một số nguồn vốn chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12/2024 nên các chủ đầu tư tập trung giải ngân các nguồn vốn này trước, dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 đạt thấp.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn ĐTC trong thời gian tới, Sở KH-ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp trọng tâm. Trong đó gồm các nhóm giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nhóm giải pháp về quán triệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư trong thực hiện và giải ngân vốn ĐTC và nhóm giải pháp về trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương.
“Trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở KH-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao nhằm thực hiện giải ngân vốn ĐTC đạt tỷ lệ cao nhất”, ông Nguyễn Xuân Đạt cho biết.
* Đại biểu Đặng Thị Kim Huệ, Tổ đại biểu huyện Tuyên Hóa chất vấn: Trong năm 2024, số vốn phân bổ cho các dự án sử dụng nguồn vốn NSTW thấp và phương án phân bổ theo hướng cào bằng, chia đều giữa các dự án mà chưa cân nhắc, ưu tiên cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn NSTW năm 2024 đạt thấp (đến 30/6/2024 chỉ đạt 28,2%). Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề trên?
* Ông Nguyễn Xuân Đạt, Giám đốc Sở KH-ĐT trả lời: Về nguyên nhân kế hoạch vốn NSTW năm 2024 bố trí thấp: Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSTW năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là hơn 1.205 tỷ đồng, giảm 24,6% so với kế hoạch vốn năm 2023. Trong đó, vốn nước ngoài (ODA) được giao 247,67 tỷ đồng, việc giải ngân vốn theo cơ chế của nhà tài trợ và vốn ODA được Trung ương cơ bản ưu tiên bố trí theo nhu cầu của tỉnh.
Nguồn vốn NSTW trong nước kế hoạch năm 2024 được giao là 957,84 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2023, dẫn đến việc bố trí vốn cho các dự án chưa bảo đảm so với tiến độ thực hiện. Nguyên nhân kế hoạch vốn năm 2024 Trung ương giao giảm do tình hình khó khăn chung của cả nước (một số tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đều cắt giảm từ 20% đến 25%).
Nguyên tắc bố trí vốn: Việc bố trí kế hoạch vốn NSTW năm 2024 không cào bằng mà theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Bố trí đủ vốn cho dự án dự kiến hoàn thành năm 2024; (2) Bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án ODA theo tiến độ; (3) Bố trí cho dự án trọng điểm liên vùng (4) Hoàn trả vốn cho chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; (5) Bố trí cho các dự án chuyển tiếp.
Sau khi bố trí cho các dự án theo thứ tự ưu tiên như trên, số vốn còn lại bố trí cho 23 dự án chuyển tiếp chỉ còn 66,815 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng số vốn). Trong tình hình nguồn vốn quá hạn hẹp, Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh cân đối bố trí theo tỷ lệ trên tổng số vốn còn lại của mỗi dự án. Qua số liệu báo cáo giải ngân chi tiết các dự án, hầu hết các dự án chuyển tiếp đã giải ngân hết hoặc gần hết số vốn bố trí. Hiện nay, các chủ đầu tư đang đề xuất UBND tỉnh bổ sung vốn để tiếp tục triển khai.
Về tình hình thực hiện và giải ngân: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về công tác thực hiện và giải ngân vốn ĐTC năm 2024. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn ĐTC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra như phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh.
Nguyên nhân giải ngân thấp, ông Nguyễn Xuân Đạt cho biết, kế hoạch vốn NSTW năm 2023 mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 vào cuối tháng 5/2024 nên hiện nay các chủ đầu tư đang tập trung vào giải ngân kế hoạch vốn kéo dài trước, dẫn đến tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm đạt thấp.
Một số dự án được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng ở Trung ương vào cuối năm 2023 nên đã tạm ứng vốn, hiện nay đang thi công để hoàn tạm ứng nên giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 thấp. Một số dự án vướng mắc về GPMB nên chậm giải ngân.
Các dự án còn lại theo báo cáo của chủ đầu tư không vướng mắc nhưng chậm giải ngân (chủ yếu tập trung vào các dự án dự kiến hoàn thành năm 2024) do nhà thầu xây lắp và chủ đầu tư có tâm lý chờ khối lượng nhiều mới nghiệm thu một lần, thường có xu hướng triển khai thanh toán khoảng thời gian từ quý III đến quý IV hàng năm.
“Từ tình hình trên, trong thời gian tới, Sở KH-ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo kế hoạch...”, ông Nguyễn Xuân Đạt nói.
A.Tuấn (lược ghi)