Cá trắm sông Son
(QBĐT) - Những năm qua, người dân ở miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng đã phát triển mô hình nuôi cá trắm lồng trên sông Son. Đặc biệt, sự phát triển của hoạt động du lịch thời gian gần đây được xem như là “cầu nối” để cá trắm sông Son trở thành dấu ấn ẩm thực níu chân du khách.
Cá trắm sông Son mùa du lịch
Đi dọc bờ sông Son, không khó để nhìn thấy các lồng, bè nuôi cá trắm trải dài hai ven bờ sông. Bà Mai Thị Hương (thị trấn Phong Nha, Bố Trạch) với hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng chia sẻ: “Lúc đầu ít hộ gia đình theo nghề này lắm, nhưng từ khi du lịch ở Phong Nha phát triển, chúng tôi có thêm điều kiện để mở rộng quy mô nuôi cá. Ngày thường, tôi chỉ bán lẻ được vài con ở chợ với giá 130.000 đồng/kg hay thỉnh thoảng nhập giá sỉ cho thương lái với giá từ 110.000 đồng/kg. Thế nhưng vào mùa du lịch, chúng tôi nhập cho các nhà hàng, các khu du lịch ẩm thực…, có thời điểm lên tới 2-3 tạ cá/ngày.”
Mặc dù không ở gần trung tâm du lịch nhưng mỗi ngày, chị Lê Thị Lực (xã Hưng Trạch) đều chở cá cung cấp cho các đầu mối du lịch. Chị Lực cho hay: “Vào mùa du lịch, đặc biệt là cuối tháng 4-8, ngày nào tôi cũng nhập cho nhà hàng gần cả tạ, chưa kể đến khách lẻ ở chợ. Tuy lượng cá bán ra rất lớn nhưng với tôi “số lượng” phải đi cùng “chất lượng”. Làm sao để cá giữ được độ tươi, thịt ngọt, mang lại những trải nghiệm ẩm thực ấn tượng cho khách du lịch luôn là tiêu chuẩn mà tôi đặt lên hàng đầu.”
Còn với chị Nguyễn Thị Hoàng (thị trấn Phong Nha), nuôi cá trắm sông Son chính là nghề giúp chị có thêm thu nhập khi phải một mình nuôi 5 đứa con ăn học.
Chị Hoàng cho biết, mùa du lịch hay dịp Tết chính là lúc cá trắm “được giá” nhất trên thị trường. Ngoài những chỗ khách quen mua lẻ cho các bữa ăn hàng ngày thì chị cũng thường nhận sỉ số lượng lớn cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng,… Đặc biệt, trong dịp hè-mùa du lịch sôi động ở Phong Nha, lượng khách du lịch đông nên số lượng cá trắm mà chị cung cấp đều đặn gần cả tạ mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Anh (tổ dân phố Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha) lại chọn đầu tư nuôi cá và chỉ xuất bán vào thời kỳ cao điểm mùa du lịch. Không chỉ “được giá”, mà còn phần nào đáp ứng nhu cầu ẩm thực cho du khách mọi miền. Mỗi tháng anh chỉ thu hoạch một lần với trọng lượng khoảng 3-4 tạ/lần.
In dấu ẩm thực vùng di sản
Đến với miền di sản, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với nhiều món ngon được chế biến từ “cá trắm”. Từ mâm cơm với cá trắm kho nghệ, cá trắm um dưa chua… hay thưởng thức gỏi cá trắm, cá trắm chiên giòn. Hương vị đặc trưng đã góp phần mang “cá trắm sông Son” vang xa, trở thành đặc sản đối với du khách khi đặt chân đến nơi đây. Việc chế biến “cá trắm” của các nhà hàng đã góp phần tạo nên dấu ấn ẩm thực đất di sản.
Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Trần Đức Bình chia sẻ: Thị trấn hiện có gần 350 hộ dân tham gia nuôi cá trên sông Son với trên 600 lồng cá. Trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, lượng cá trắm sông Son chỉ phục vụ được phần nào nhu cầu lớn trong mùa cao điểm này. Do vậy, ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu “cá trắm sông Son”, địa phương rất quan tâm đến việc phát triển mở rộng quy mô cũng như số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. |
Bà Nguyễn Thị Thu (chủ nhà hàng Thu Huế) cho biết, nhà hàng thường lấy sỉ số lượng lớn “cá trắm” từ sông Son. “ Mùa du lịch nên khách đến rất đông, miền Bắc, miền Nam đều có cả. Vì ở trung tâm du lịch nên nhà hàng luôn chọn “cá trắm sông Son” từ mấy chục năm nay và thường chọn mua cá to từ 5-7kg trở lên. Ngày nào khách du lịch đông, nhà hàng lấy chừng 1 tạ cá.
Chị Bùi Thu Hương du khách đến từ TP. Hà Nội cho biết: Được thưởng thức hương vị “cá trắm sông Son”-nét ẩm thực đặc trưng nơi đây là điều rất thú vị, chị khá thích vị ngọt tự nhiên từ thịt cá trắm. “Cảm giác thật sảng khoái khi thưởng thức một bát cháo canh cá trắm nóng hổi sau chuyến tham quan hang động ở Phong Nha và du thuyền trên sông. Nước dùng ngọt thanh, thịt cá trắm chắc… Như thế thôi cũng đủ dinh dưỡng tiếp thêm năng lượng cho hành trình khám phá của du khách. Đây là món ngon mà tôi nghĩ những ai đến nơi đây nhất định phải thử một lần…”, chị Hương chia sẻ.
Ngô Hiền
Khoa Báo chí-Truyền thông,
(Trường đại học Khoa học Huế)