Tin dùng hàng Việt

  • 05:42 | Thứ Tư, 07/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua khảo sát của Sở Công thương về thị trường nội địa, hàng Việt Nam hiện chiếm trên 80% tại các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp (DN) đầu mối trên địa bàn toàn tỉnh và hơn 90% người tiêu dùng đã tin dùng hàng Việt Nam.
 
Điều đó cho thấy, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao.
 
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
 
Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu trong CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng trong nước đã đủ mạnh để chi phối thị trường tiêu dùng của người dân. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý “sính hàng ngoại nhập” của người tiêu dùng. 
 
Tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh, như: Co.opmart, Winmart, Thái Hậu, Diến Hồng… các sản phẩm hàng Việt Nam được bày kín các kệ hàng chiếm trên 90%. Riêng tại siêu thị Co.opmart, hàng sản xuất trong nước chiếm 95%.
Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam.
Người dân ngày càng tin dùng hàng Việt Nam.
Giám đốc siêu thị Co.opmart Lương Thị Kiều Lan Chi cho biết: Khi mới đi vào hoạt động, đơn vị đã cam kết với tỉnh sẽ đưa 90% hàng Việt Nam vào siêu thị và ưu tiên bố trí hàng Việt Nam ở những nơi thuận lợi, dễ thu hút khách hàng quan tâm lựa chọn, mua sắm. Qua từng năm, đến nay, hàng Việt Nam tại siêu thị chiếm gần 95%. Các kênh phân phối của Co.opmart ưu tiên lựa chọn hàng hóa của các nhà sản xuất, nhà cung cấp đạt giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn.
 
Còn tại các cửa hàng tạp hóa, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng không kém. Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bình, chủ cửa hàng ở đường Trường Chinh (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) cho biết: “Cửa hàng tôi trước đây có nhập bánh kẹo ngoại, hàng hóa mỹ phẩm về để bán nhưng thấy người tiêu dùng ngày càng lựa chọn hàng Việt Nam nhiều hơn nên tôi chuyển dần về hàng Việt Nam. Hiện nay, cửa hàng tôi nhập hơn 90% là hàng sản xuất trong nước để phục vụ người tiêu dùng”.
 
Trung tâm mua sắm tổng hợp Thế Anh (TP. Đồng Hới) là địa điểm khá nổi tiếng chuyên dành cho những người thích hàng ngoại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trung tâm rơi vào tình trạng thua lỗ do không có khách. Theo đại diện trung tâm, từ đầu năm đến nay cửa hàng rất vắng khách, có ngày doanh thu chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng. Hiện, trung tâm đã tăng lượng hàng Việt Nam lên rất nhiều (khoảng 30%) nhưng vẫn không thể thu hút được người tiêu dùng đến mua sắm.
 
Chị Nguyễn Thị Phương Anh, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: “Hầu hết các đồ gia dụng, thực phẩm, gia vị, hóa mỹ phẩm… nhà tôi sử dụng đều do các DN trong nước sản xuất. Hàng Việt Nam bây giờ không thua gì hàng ngoại, từ bao bì, mẫu mã đến chất lượng, giá cũng phù hợp với túi tiền gia đình. Đặc biệt, dùng hàng Việt Nam có hướng dẫn cách sử dụng chứ hàng ngoại nhiều sản phẩm không có phụ đề tiếng Việt nên dễ sử dụng sai cách, không những không phát huy hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là hàng xách tay". 
 
Hàng Việt Nam ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng vì chất lượng không ngừng được cải thiện, đa dạng chủng loại, mẫu mã, có tem truy xuất nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý, giá cả lại hợp lý, rất phù hợp với túi tiền cũng như thị hiếu của người tiêu dùng.
Tiếp tục đồng hành cùng hàng Việt
 
Để hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và DN đồng hành cùng hàng Việt Nam, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết DN với nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa.
 
Các đơn vị cũng đã hỗ trợ DN tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa hàng bày bán các sản phẩm nông sản, các điểm bán hàng Việt Nam để giới thiệu các mặt hàng có chất lượng cao, giá cả phải chăng…
 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Trần Quang Minh cho biết, trong năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt CVĐ trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, DN và các tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các DN, nhà sản xuất ở địa phương làm ra góp phần làm cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
Hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường hàng tiêu dùng.
Hàng Việt Nam chiếm ưu thế trên thị trường hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành như: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch nghiên cứu các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Hàng hải sản, nông sản, mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm với các hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình đến du khách trong và ngoài nước; tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt, hàng Quảng Bình” trên địa bàn tỉnh, đây là những địa chỉ tin cậy để đưa các sản phẩm có chất lượng của Quảng Bình đến với người tiêu dùng. 
 
Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình đưa hàng Việt Nam về vùng nông thôn, tổ chức Hội chợ thương mại, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn…
Thanh Hoa
 
 
          

tin liên quan

Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

(QBĐT) - Sau khi rời quân ngũ, những cựu chiến binh đã mạnh dạn chinh phục, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn sỏi đá... thành những mô hình kinh tế hiệu quả.

Tiên phong đưa cây tre lục trúc về vùng gò đồi Bố Trạch

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả. Điển hình là mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của chị Lê Thị Lan Hương ở thôn Bàng, xã Hòa Trạch.

​Tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho kinh tế tập thể và hợp tác xã

(QBĐT) - Sáng 6/6, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Khuyến công và XTTM Quảng Bình tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã.