Dấu ấn công tác khuyến nông

  • 21:23 | Chủ Nhật, 08/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả trên các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, năm 2022, công tác khuyến nông-khuyến ngư (KN-KN) đã ghi đậm nhiều dấu ấn trên chặng đường chuyển mình của ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng giá trị, bền vững…
 
Phát huy hiệu quả các mô hình
 
Năm 2022, việc triển khai thực hiên các mô hình, chương trình khuyến nông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, là thời tiết diễn biến dị thường; giá xăng, dầu tăng mạnh kéo theo giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng cao. Trong khi đó, phần lớn giá nông sản còn thấp, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự hỗ trợ từ khuyến nông Trung ương, các mô hình KN-KN trên địa bàn tỉnh đều đạt kết quả tốt, nhiều mô hình được chính quyền và người dân đánh giá cao.
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, năm qua, trung tâm đã triển khai thực hiện 13 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ sinh kế ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất trồng lúa năng suất thấp, đất gò đồi qua trồng các cây trồng khác có giá trị cao, như: Sen, dừa, hương thảo, na Thái, chà là, măng lục trúc, mít ruột đỏ...
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cũng cho biết thêm, bên cạnh việc đưa vào trồng các loại cây con mới, đánh giá khả năng thích ứng với môi trường, điều kiện tự nhiên, đơn vị đã chú trọng thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn; đồng thời, nâng cao giá trị trên cùng diện tích.
 
Nhiều mô hình được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao, như: Xây dựng nhà lưới sản xuất rau, quả an toàn VietGAP cho năng suất dưa lưới, dưa lê đạt 2,5-2,7 tấn/vụ, cho lãi từ 40-45 triệu đồng/nhà; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ năng suất vụ đông-xuân đạt 50-55 tạ/ha, vụ hè-thu 55-56 tạ/ha; trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá cho thu nhập tăng gấp 3-4 lần so với trồng chuyên lúa… 
Mô hình trồng rau quả theo hướng VietGAP trong nhà lưới của Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện tại TP. Đồng Hới.
Mô hình trồng rau quả theo hướng VietGAP trong nhà lưới của Trung tâm KN-KN tỉnh thực hiện tại TP. Đồng Hới.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022 trung tâm đã thực hiện áp dụng chuyển đổi số trong thâm canh cam, bưởi theo hướng hữu cơ. Mô hình được hỗ trợ tem truy suất nguồn gốc, quét mã QR, thực hiện số hóa trong khâu tiêu thụ, bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tạo được thương hiệu sản phẩm…
 
Ở lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trung tâm đã đưa giống vịt Đại Xuyên Star vào nuôi trên cạn; hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao (CNC), hỗ trợ mô hình sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc (gà sinh sản, ngan thương phẩm, nuôi thỏ sinh sản, nuôi chim bồ câu sinh sản, lợn bản sinh sản) triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu; các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế, như: Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt; nuôi lươn trong bể không bùn; nuôi xen ghép tôm sú, cua, cá nâu…
 
Đổi mới phương pháp, hoạt động KN-KN
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, năm 2023, trung tâm sẽ đổi mới phương pháp hoạt động khuyến nông, chuyển từ khuyến nông kỹ thuật sang tổng hợp theo nhu cầu của thực tiễn sản xuất; chủ động bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, lồng ghép các chương trình dự án để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động KN-KN trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp thu mua, các nhà máy chế biến để bao tiêu sản phẩm cho người dân…
 
Trước mắt, trung tâm sẽ thực hiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và liên kết bao tiêu sản phẩm, như: Nếp than, nếp cẩm, HC4, Hương Bình, TBJ3 Japonica... vào sản xuất vụ đông-xuân 2022-2023; hỗ trợ các mô hình theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, chế biến, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu, như: Hỗ trợ phát triển giống lạc cúc (giống lạc địa phương); thâm canh mít ruột đỏ; chuyển đổi vùng gò đồi qua trồng thâm canh cây na theo hướng hữu cơ; nuôi tôm càng xanh chuyên canh kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ.
 
Bên cạnh đó, trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa kém hiệu quả, không chủ động nước tưới qua trồng thâm canh ngô sinh khối, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng sen, dừa; chuyển đổi vùng đất nuôi tôm thường hay dịch bệnh sang nuôi thủy sản xen ghép tôm, cá, cua; trồng tre lục trúc lấy măng; trồng nho Hạ Đen gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; hỗ trợ chăm sóc các cây trồng có thời gian sinh trưởng kéo dài, như: Dừa xiêm, chà là, mít ruột đỏ...
 
Mặt khác, thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2020-2025, kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, trung tâm thực hiện các mô hình sản xuất rau, quả an toàn VietGAP trong nhà lưới ứng dụng công nghệ IOT; chăn nuôi gà, vịt, lợn ứng dụng CNC gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trên ao đất lót bạt ứng dụng CNC và đưa vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thử nghiệm các loại giống mới, như: Chồn hương, don sinh sản, lươn trong bể không bùn, ốc nhồi thương phẩm; trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chuyển đổi đất gò đồi qua trồng cây dược liệu gắn với chế biến liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các mô hình sinh kế cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Lợn khùa, lợn móng cái, nuôi dê sinh sản, gà thả vườn; trồng khoai môn, mít ruột đỏ, cà, kiệu...
 
Năm 2022, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện 28 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật công tác KN-KN cho trên 500 người. Trong đó, có 16 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân trong mô hình; 7 lớp tập huấn hiện trường chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân; 3 lớp đào tạo tập huấn ngoài mô hình; 2 lớp tập huấn, phổ biến chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho khuyến nông viên cơ sở và nông dân; tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp “Phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học”… Ngoài ra, trung tâm đã tổ chức đoàn tham quan học tập các mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố cho các cán bộ nông nghiệp…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Khởi công Dự án cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu

(QBĐT) - Chiều nay, 8/1, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần 2-Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu, thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình.

Người chăn nuôi lợn dè dặt tăng đàn phục vụ Tết

(QBĐT) - Tết Nguyên đán đang đến gần, thời điểm này, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn đang tích cực chăm sóc đàn nuôi để xuất bán phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên, khác với những năm trước, năm nay một số người chăn nuôi không tăng đàn nhiều mà dè dặt duy trì đàn nuôi với số lượng nhỏ.

OCOP trên đất An Mã

(QBĐT) - Với khát vọng làm giàu, tạo việc làm cho người dân, bảo vệ môi trường… chị Hoàng Thị Thủy và Phạm Thị Hồng Hiếu đã sản xuất thành công hai sản phẩm đạt OCOP là ống hút tre và rượu sim thơm ngon trên đất An Mã, xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Không những thế, hai bạn trẻ còn tạo nên một điểm du lịch hấp dẫn từ nông trại của mình với nhiều loại cây trồng, vật nuôi.