Triển vọng từ mô hình nấm bào ngư xám

  • 08:01 | Thứ Bảy, 12/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ 3 năm nay, sản phẩm nấm bào ngư xám của vợ chồng Hoàng Sỹ Khánh (SN 1994) và Phan Thị Giang (SN 1995) ở tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) đã được nhiều khách hàng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa ưa chuộng. Mô hình khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ cũng đã mang lại thu nhập cao cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.
 
Anh Hoàng Sỹ Khánh cho biết, năm 2019, vợ chồng anh được người anh trai ở TP. Huế chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm bào ngư xám. Sau khi tìm hiểu thị trường tiêu thụ và nhận thấy việc trồng nấm cho thu nhập cao, lại đơn giản, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay mượn hơn 400 triệu đồng để đầu tư làm trại nấm và mua sắm các thiết bị cần thiết để trồng nấm.
 
Ban đầu, để chắc chắn và tích lũy kinh nghiệm, gia đình anh chỉ nuôi cấy 5.000 bịch phôi nấm để trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, thấy nhu cầu tiêu thụ của người dân 2 huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa ngày càng tăng cao, vợ chồng Khánh tiếp tục mở rộng quy mô trại sản xuất.
 
Hiện tại, gia đình anh Hoàng Sỹ Khánh có 4 trại trồng nấm với diện tích hơn 700m2 (30.000 bịch phôi trồng nấm). Trung bình mỗi ngày, trại nấm của anh Khánh cho thu hoạch khoảng 5 tạ nấm bào ngư xám. Có thời điểm, trại nấm cho thu hoạch lên đến 1 tạ nấm/ngày. Với giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi tháng, trại nấm của anh cho thu nhập bình quân từ 30-40 triệu đồng.
 
Anh Hoàng Sỹ Khánh cho hay: “Nấm bào ngư xám là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng, quy trình chăm sóc khá đơn giản, lại tận dụng được các nguyên phụ liệu sản xuất có sẵn trên địa bàn như mùn cưa từ gỗ, trấu... Người trồng nấm chỉ việc nắm chắc kỹ thuật trồng, rồi đóng bịch, cấy phôi... Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng làm được nếu như không chịu khó”.
 
Bởi, để nấm phát triển, đòi hỏi nhà trồng nấm phải thông thoáng, ánh sáng phù hợp và quan trọng nhất là phải giữ độ ẩm tốt. Nền nhà trồng nấm phải được tẩy trùng thường xuyên. Mật độ phôi nấm trên diện tích phải bảo đảm khoảng cách phù hợp, mới đạt năng suất cao. Phôi nấm sau khi đóng bịch và lên giàn khoảng 30-35 ngày là có thể thu hoạch. Mỗi bịch nấm, nếu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thuận lợi, có thể cho thu hoạch từ 10-12 lứa. 
Sản phẩm nấm bào ngư xám của Hoàng Sỹ Khánh được người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng.
Sản phẩm nấm bào ngư xám của Hoàng Sỹ Khánh được người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng.
Từ khi diện tích trại nấm được mở rộng và nhu cầu mua phôi giống nấm để sản xuất của người dân ở các xã, huyện lân cận tăng cao, anh Khánh thuê thêm 4 nhân công làm việc, với mức lương hàng tháng 6 triệu đồng/người.
 
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu đưa một số loại nấm khác có giá trị vào sản xuất, nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập. Hiện tại, bịch phôi nấm bào ngư xám sau khi khai thác vẫn chưa được tận dụng hết. Bởi, những bịch phôi thải này có thể dùng để trồng nấm rơm rất tốt, hạn chế lãng phí trong quá trình sản xuất”, Hoàng Sỹ Khánh cho biết thêm.
 
Hiện tại, anh Khánh đang có kế hoạch đăng ký xây dựng nhãn hiệu sản xuất nấm, nhằm mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường tiêu thụ khác, tạo dựng thương hiệu cho cơ sở sản xuất nấm của gia đình.  
 
Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lê Đậu Bá Quý cho biết, vợ chồng trẻ Hoàng Sỹ Khánh và Phan Thị Giang ở tiểu khu Tân Lập là một trong những gương mặt trẻ dám nghĩ, dám làm. Trại sản xuất nấm bào ngư xám của anh Khánh là mô hình phát triển kinh tế khá mới trên địa bàn, không chỉ mang lại thu nhập cao, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, động viên người dân mạnh dạn phát triển các mô hình phát triển kinh tế mới, đặc biệt là các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, khoa học-công nghệ.
 
D.C.H

tin liên quan

Lệ Thuỷ: Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023

(QBĐT) - Chiều 10/11, UBND huyện Lệ Thuỷ tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

 

Bảo đảm môi trường trong chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh

(QBĐT) - Cùng với nâng cao chất lượng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống chuồng trại, các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, qua đó, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi…

Quảng Ninh: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 964 tỷ

(QBĐT) - Ông Bùi Văn Khảm, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quảng Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện ổn định và có sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.