Làm giàu từ cây dược liệu
(QBĐT) - Đưa chúng tôi ra vườn cây dược liệu, chị Trần Thị Như Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất tinh dầu Như Oanh (xã Nam Trạch, Bố Trạch) cho hay: “Hiện nay, HTX chúng tôi trồng được gần 3ha cây tràm trà (hay còn gọi là tràm Úc, vì có nguồn gốc từ nước Úc). Cây trồng sau 18 tháng là cho thu hoạch, riêng năm đầu tiên thì doanh thu mỗi ha cũng được gần 500 triệu đồng”.
Chị Như Oanh lớn lên ở xã Nam Trạch, gia đình vốn nghèo nên chỉ học đến lớp 9 trường làng là chị xin nghỉ để phụ giúp việc nhà. Lớn lên, xây dựng gia đình và ra ở riêng, vợ chồng chị Oanh lại tiếp tục khai hoang đất đồi trồng cao su, sắn cao sản bán cho nhà máy. Nhưng nhiều năm liên tục xảy ra mưa bão nên cây cao su gãy đổ, sắn bị thối củ…, khó khăn vẫn chồng lên khó khăn. Nghe có người khuyên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau nhiều lần suy tính, bàn kỹ với chồng, chị Như Oanh chọn hướng phát triển cây dược liệu để chế biến tinh dầu.
Năm 2018, chị đầu tư vài ha cây sả lấy dầu, rồi thu hoạch, nấu tinh dầu bằng phương pháp thủ công. Thời điểm ấy, tinh dầu sả được chị “bán rẻ như cho”, chị còn dành thời gian đến chơi nhà khách hàng để chia sẻ về tác dụng của tinh dầu sả trong xoa bóp, xông hơi, trừ muỗi, côn trùng… Dần dà, bà con dùng thấy có hiệu quả nên đặt mua nhiều.
Từ hiệu quả ban đầu, gia đình mở rộng thêm diện tích, trồng hơn 20ha cây sả và đầu tư dây chuyền chưng cất tinh dầu với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Khi có sản phẩm, chị Oanh tìm đến các cơ sở tiêu thụ để giới thiệu, chào hàng. Sản phẩm được nhiều bạn hàng chấp nhận nên sản xuất đến đâu tiêu thụ được đến đó. "Nhờ đó mà chỉ hai năm sau, gia đình tôi đã hoàn trả được các khoản vay và bước đầu có tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất”, chị Như Oanh chia sẻ.
Sau thành công với cây sả, chị thành lập HTX Sản xuất tinh dầu Như Oanh và chưng cất thêm sản phẩm tinh dầu tràm. Dịp may đến với chị khi được Viện Cải thiện giống và Phát triển lâm sản chuyển giao giống cây tràm trà, tràm năm gân để trồng lấy tinh dầu.
Khoảng 5ha đã được HTX dùng để trồng hai loại tràm nói trên và sau 18 tháng thì cho thu hoạch. Tràm khi thu hoạch sẽ được cắt ngang thân cây để lấy cành ngọn, lá đưa chưng cất. Gốc cây chừa lại sẽ nảy mầm và phát triển rất khỏe cho vụ thu hoạch sau.
Chị Như Oanh cho biết: “Trong 3 năm đầu, sản lượng cành, lá thu được khoảng 20-30 tấn và sau đó sản lượng tăng dần. Đến sau 10 năm thì cây tràm cho sản lượng khoảng trên 100 tấn. Sau 25 năm thu hoạch thì cây được chuyển sang khai thác làm gỗ gia dụng”.
Khi đưa vào chưng cất, trung bình cứ 1 tấn cành lá thì thu được 12kg tinh dầu tràm (tương đương 15 lít). “Hiện giá thị trường chúng tôi bán sỉ là 1,2 triệu đồng/lít, thì mỗi tấn cành, lá chưng cất thu được 18 triệu đồng. Mỗi ha có sản lượng 25-20 tấn sẽ thu về trên dưới 500 triệu đồng. Từ năm thứ 5, thứ 6 trở lên thì thu nhập còn cao hơn nhiều”, chị Như Oanh bộc bạch.
Hiện, HTX đã sản xuất và liên kết sản xuất với nông dân trong vùng trên 40ha cây dược liệu, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 35 lao động thời vụ. Thu nhập của người lao động từ 8-12 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí việc làm. Doanh thu HTX mỗi năm từ 5-7 tỷ đồng và lãi khoảng 500-700 triệu đồng. Sản phẩm tinh dầu sả, tràm của HTX đã cung ứng cho các thị trường trong nước, như: Hà Nội, Nha Trang, Cần Thơ…và đã được xuất khẩu tiểu ngạch, được người tiêu dùng đánh giá cao tại các nước Đức, Hungary, Trung Quốc...
Nói về định hướng thời gian tới, chị Như Oanh cho hay: “HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây tràm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài; đồng thời sẽ đầu tư các dây chuyền sản xuất, đóng gói hiện đại để chủ động sản xuất theo chuỗi và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của người tiêu dùng”.
Hạnh Châu
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.