Giá xăng dầu giảm, hàng hóa vẫn chưa "hạ nhiệt"

  • 10:51 | Thứ Sáu, 12/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giá xăng, dầu liên tiếp tục giảm ở mức đáng kể trong thời gian gần đây, đó là tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết giá cả các loại hàng hóa vẫn đang neo cao, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá.
 
Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao đã tác động đến chi phí sản xuất, vận chuyển và giá thành sản phẩm, đẩy giá các mặt hàng tiêu dùng trong nước tăng theo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Tại Quảng Bình, thị trường giá cả hàng hóa tương đối ổn định, tuy nhiên một số nhóm mặt hàng như thực phẩm công nghệ tăng từ 5-7%, thịt, hải sản các loại tăng khoảng 10%, hóa mỹ phẩm tăng từ 5-10%... 
 
Ngày 1/8/2022, liên Bộ Tài chính-Công thương điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ tư liên tiếp, theo đó, ngày 11/8, giá xăng dầu đã tiếp tục giảm. Thế nhưng, giá các mặt hàng tiêu dùng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
 
Ghi nhận tại chợ Đồng Hới cho thấy, đa số các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Chị Trần Thị Lài, tiểu thương buôn bán hàng tạp hóa tại chợ Đồng Hới cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các loại hàng hóa nhập về vẫn giữ giá cao, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá, như: Mì chính, dầu gội, bột giặt, nước xả vải… Thời điểm hiện tại, mỗi thùng mì chính (60 gói) tăng hơn 100.000 đồng so với tháng trước; bỉm trẻ em tăng 5.000/gói; bột giặt, nước xả vải tăng từ 3.000-5000 đồng/chai... Chỉ có một số loại dầu ăn như Meizan, Cái Lân, Cooking Tường An… có giảm nhưng không đáng kể. 
Người tiêu dùng mong muốn giá hàng hóa giảm giá theo giá xăng dầu.
Người tiêu dùng mong muốn giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu.
Theo các tiểu thương ở chợ thì nhà phân phối báo giá như thế nào, tiểu thương bán giá như vậy để bảo đảm lợi nhuận. Việc các sản phẩm giữ giá cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên lượng tiêu thụ cũng bị giảm sút đáng kể so với thời điểm giá thấp.
 
Còn tại các siêu thị, giá của các mặt hàng, nhất là mặt hàng thực phẩm tương đối ổn định, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị chủ động giảm lợi nhuận để giảm giá. Bà Lương Kiều Lan Chi, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, cho biết: Mặc dù giá xăng đã giảm sau chuỗi ngày liên tục tăng vọt, nhưng hiện nay giá hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Để hỗ trợ người tiêu dùng, siêu thị Co.opmart Quảng Bình đã giảm lợi nhuận, thực hiện nhiều chương trình giảm giá hàng loạt sản phẩm thiết yếu nhằm bình ổn giá hàng hóa, chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng. Theo đó, các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm được siêu thị đưa ra, như: Siêu ưu đãi, mua nhiều ưu đãi lớn, mua 1 tặng 1, giảm giá từ 10-30% trực tiếp lên sản phẩm…
 
Việc giảm giá này một phần nằm trong hoạt động khuyến mãi thường niên của hệ thống siêu thị, một phần là do siêu thị đã chủ động đàm phán với các nhà cung ứng về việc giảm giá. Đặc biệt, siêu thị cũng hướng cho khách hàng lựa chọn hàng nhãn riêng của Co.op với giá cả phải chăng, rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại từ 10-15%.
 
Theo bà Lương Kiều Lan Chi, nguyên nhân khiến giá hàng hóa vẫn chưa giảm mặc dù giá xăng, dầu đã giảm là do mỗi lần xăng dầu tăng giá, gần như thị trường lại thiết lập mặt bằng giá mới, vì vậy, rất khó để có thể giảm giá về mức ban đầu và nếu giảm thì chỉ giảm nhẹ, không đáng kể vì nhà cung ứng cũng phụ thuộc rất nhiều vào chi phí sản xuất, như: Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí mặt bằng, nhân công…
 
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Để ổn định cung cầu hàng hóa, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, sở đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan thường xuyên cập nhật tình hình cân đối cung cầu, giá cả thị trường, theo dõi sát sao biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
 
Bên cạnh đó, sở cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá cục bộ, tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống người dân; mở rộng hệ thống phân phối đến các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng "găm" hàng để tăng giá bất hợp lý, trục lợi, thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.
 
Đặc biệt, sở cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động tri ân người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng, nhất là đối với hàng Việt Nam, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP được sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường, hỗ trợ người dân, nhất là người lao động.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: Sau đại dịch Covid-19, mọi thứ chưa kịp phục hồi thì người dân lại phải chạy theo guồng quay “bão giá" hàng hóa do giá xăng dầu tăng cao. Nay xăng giảm nhiều lần, tôi cứ nghĩ hàng hóa cũng giảm theo, nhưng hiện vẫn không thay đổi, một số mặt hàng, như: Thịt lợn, trứng, rau, củ, quả, nhóm hàng hóa mỹ phẩm… còn tăng lên. Người tiêu dùng, nhất là công nhân như chúng tôi luôn mong giá các mặt hàng giảm xuống để việc chọn hàng hóa tiêu dùng được thoải mái hơn, bớt đắn đo hay tìm cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng ngày.
 
Thanh Hoa
 

tin liên quan

Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.

Quảng Ninh: Hơn 250ha lúa bị sâu bệnh và chuột gây hại

(QBĐT) - Vụ hè-thu 2022, toàn huyện Quảng Ninh gieo cấy hơn 3.320ha lúa. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho chuột và các loại sâu bệnh phát triển gây hại.

Giảm mạnh từ 15 giờ chiều nay, giá xăng RON95-III về 24.670 đồng

Từ 15 gờ ngày 11/8, giá xăng RON95-III giảm 939 đồng/lít; xăng RON92 giảm 904 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.000 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.213 đồng/lít, trong khi dầu mazút tiếp tục giữ ổn định.