Nông dân Quảng Trạch phát triển kinh tế vùng gò đồi

  • 11:24 | Thứ Hai, 09/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, nhiều hội viên nông dân huyện Quảng Trạch đã tận dụng lợi thế tự nhiên, mạnh dạn đầu tư nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi mang lại thu nhập ổn định.
 
Sau thời gian tìm việc, làm thuê khắp nơi nhưng không thoát được cảnh đói nghèo, năm 2017, anh Chu Quốc Việt, thôn 5, xã Quảng Kim đã mạnh dạn vay mượn nguồn vốn để khai hoang, phục hóa 2ha đất gò đồi gần khu vực hồ Sông Thai để đầu tư xây dựng trang trại, phát triển kinh tế gia đình.
 
Trải qua gần 6 năm bền bỉ kiên trì, nỗ lực khắc phục khó khăn, đến nay, anh Việt đã biến vùng đất gò đồi hoang hóa thành mô hình kinh tế tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, như: Thanh long, mít, cam, các loại cây hoa màu theo mùa vụ và chăn nuôi các loại: Lợn rừng, bò sinh sản, gà, ong lấy mật… Với mô hình này, mỗi năm anh Việt xuất bán khoảng 10 con lợn rừng, 3 tấn thanh long cùng nhiều loại nông sản khác, với tổng thu nhập gần 200 triệu đồng.
 
“Lúc mới vào, cả vùng này là một khu rừng hoang hóa, mình đã thuê máy móc vào đào xới, khai hoang, cải tạo đất. Cái khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu không có, nên mình "lấy ngắn nuôi dài", tích lũy nguồn vốn rồi tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Giờ đây, mô hình đã đi vào ổn định”, anh Chu Quốc Việt chia sẻ.
Anh Chu Quốc Việt chăm sóc vườn Thanh long của gia đình.
Anh Chu Quốc Việt chăm sóc vườn Thanh long của gia đình.
Sau 3 năm tham gia xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, có được nguồn vốn trong tay, năm 2020, anh Phạm Văn Lộc, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu đã đầu tư 300 triệu đồng để san ủi, cải tạo hơn 3ha diện tích đất trồng thông kém hiệu quả của gia đình sang xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng các loại cây ăn quả, rừng keo, thả gà đồi, dê...
 
Xuất bán lứa đầu với giá 100 nghìn đồng/kg gà thương phẩm và 150 nghìn đồng/kg dê hơi, bước đầu mô hình kinh tế của gia đình anh đã mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Chưa dừng lại ở đó, anh Lộc tiếp tục vay thêm nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch để đầu tư mở rộng trang trại. Anh Phạm Văn Lộc cho hay “Dự định trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nuôi thêm đàn heo rừng, heo nhà, dúi, cá và trồng thêm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.”
 
Để giúp hội viên nông dân, đặc biệt là những địa phương có diện tích đất rừng tận dụng được thế mạnh để phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đã tích cực vận động khuyến khích, hỗ trợ hội viên nông dân mạnh dạn tìm hiểu các hình thức chăn nuôi, trồng trọt tiên tiến, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trang trại, gia trại, sản xuất hàng hóa.
 
Các cấp Hội Nông dân còn tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ các dự án để đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Hiện, Hội Nông dân huyện Quảng Trạch đang quản lý trên 650 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác của các ngân hàng và trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ các hội viên vay vốn. Đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện đã phát triển được hàng chục mô hình kinh tế trang trại, gia trại, có nguồn thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên.
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Trạch Dương Tiến Dũng cho biết: “Thời gian tới, hội sẽ tuyên truyền, vận động hội viên nông dân khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, đưa những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương vào sản xuất. Hội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao; tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là về vốn để hỗ trợ cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất; triển khai chương trình hỗ trợ về việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, VietGap, để tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp...”.
 
Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)

tin liên quan

Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ rừng

(QBĐT) - Huyện Quảng Ninh có diện tích rừng lớn nên công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng (BVR), Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong công tác quản lý, BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả.

Đậm đà chả cá trắm sông Son

(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, nghề nuôi cá trắm đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân hai bên bờ sông Son, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Nhằm đa dạng ẩm thực phục vụ khách du lịch, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Xuân Sơn (HTX Xuân Sơn) đã đầu tư cơ sở vật chất để chế biến chả cá sông Son. Sau 2 năm triển khai, hiện sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Ngày 7/5, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).