Đậm đà chả cá trắm sông Son

  • 07:31 | Chủ Nhật, 08/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, nghề nuôi cá trắm đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân hai bên bờ sông Son, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch). Nhằm đa dạng ẩm thực phục vụ khách du lịch, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập, Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Xuân Sơn (HTX Xuân Sơn) đã đầu tư cơ sở vật chất để chế biến chả cá sông Son. Sau 2 năm triển khai, hiện sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận.
 
Chả chá trắm sông Son tham gia hội chợ Xuân huyện Bố Trạch năm 2022.
Chả chá trắm sông Son tham gia hội chợ Xuân huyện Bố Trạch năm 2022.
Nghề nuôi cá trắm trên sông Son không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo nên vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên vùng di sản để du khách vừa thưởng ngoạn, khám phá, vừa thưởng thức món ăn đặc sản trên quê hương di sản.
 
Với nhiều du khách khi đến thị trấn Phong Nha thăm Di sản thiên nhiên thế giới, các sản phẩm được chế biến từ cá trắm nuôi lồng trên sông Son đã trở thành món ăn yêu thích, đậm vị đặc trưng. Tuy nhiên thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng bị chững lại, có thời điểm hàng trăm tấn cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Son “bí” đầu ra.
 
Với mong muốn tiêu thụ cá trắm ổn định cho người dân, hạn chế tình trạng bị ép giá thu mua cá trắm tươi, năm 2020, HTX Xuân Sơn đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến cá trắm thành các sản phẩm chả cá trắm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, nhất là khách du lịch khi đến Quảng Bình.
 
Giám đốc HTX Xuân Sơn Nguyễn Đức Anh cho biết: Chả cá trắm là món ăn được người dân địa phương chế biến để sử dụng trong gia đình từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mỗi người chế biến theo một công thức nên vị chả cá cũng khác nhau. Để chả cá trắm sông Son trở thành sản phẩm hàng hóa, được nhiều người tiêu dùng đón nhận, anh đã cất công ra Hà Nội, đến các cơ sở chế biến chả cá nổi tiếng để học hỏi, sau đó về cứ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mẻ chả này chưa ngon lại làm mẻ khác. Khi sản phẩm chả cá trắm bán tại các nhà hàng, quán ăn được nhiều người khen ngon, chất lượng, HTX bắt đầu sản xuất với số lượng lớn và xây dựng thương hiệu.
 
Trong đó, việc đầu tiên là thực hiện các yêu cầu để "gắn sao" OCOP cho sản phẩm, như: Công bố chất lượng sản phẩm; đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; bao bì, nhãn mác... Sau 2 năm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm hoàn thiện, đến nay, chả cá trắm sông Son đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực để HTX mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Sau thời gian cho ra sản phẩm, các thành viên HTX cũng nghiệm ra rằng, gia vị chỉ góp phần làm dậy mùi hương, chả cá ngon hay không nằm ở chính chất lượng cá, cá phải tươi mới thì sẽ giữ được vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt, nguồn nước sông Son luôn có dòng chảy mạnh, thức ăn của cá chủ yếu là cỏ, chuối, rong rêu, cá chắc thịt, thơm ngon nên chả cá cũng chất lượng. Năm 2021, HTX Xuân Sơn liên kết tiêu thụ được hơn 10 tấn chả cá trắm. Hiện sản phẩm được nhiều người tiêu dùng yêu thích và có mặt tại một số cửa hàng sạch trên địa bàn tỉnh, bán lẻ cho khách hàng tại một số tỉnh, thành, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Chả cá trắm sông Son được đóng gói để tiêu thụ.
Chả cá trắm sông Son được đóng gói để tiêu thụ.
Thương hiệu đã có, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, nhưng HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn về quảng bá, giới thiệu sản phẩm; nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm; kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; trụ sở sản xuất và làm việc… Sản phẩm chả cá sông Son có giá 350.000 đồng/kg, mức giá này là khá cao so với các sản phẩm chả cá khác nên khó khăn trong việc tiêu thụ.
 
Anh Nguyễn Đức Anh cho rằng, giá thành sản phẩm cao là do cá trắm dùng để làm chả phải được nuôi từ 2 năm trở lên và có trọng lượng từ 4,5kg trở lên nên giá thành thường đắt hơn các loại cá có trọng lượng nhỏ. Mặt khác, một con cá 5kg thì lượng thịt phi lê chỉ được khoảng 2,2kg, còn lại đầu, xương, ruột cá. Sau khi lấy thịt làm chả thì các bộ phận còn lại chưa được tận thu nên giá như vậy chỉ mới đủ để trả công cho nhân viên mà chưa có lãi. Thời gian tới, HTX đang có hướng đóng gói cá tươi để xuất bán ra thị trường và sẽ nghiên cứu tận thu các bộ phận còn lại để hạ giá thành, giúp HTX tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.
 
"Tôi vừa có chuyến tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đầu năm nay và may mắn được thưởng thức món cá trắm tươi và chả cá trắm sông Son. Theo cảm nhận của riêng tôi thì chả cá mềm, ngọt, béo, không tanh, trong chả có thêm lá rau thì là nên nó có vị rất riêng và đặc trưng, không giống với các món chả khác. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân của mình để họ được thưởng thức món ăn ngon này", bà Phùng Thị Hải Hậu, một du khách Hà Nội cho biết. 
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha Phan Thanh Luận cho biết: Hiện trên địa bàn có 410 hộ nuôi với 650 lồng cá trắm, sản lượng đạt 297 tấn/năm. Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất chả cá của HTX Xuân Sơn là hướng đi mới, nếu mở rộng được thị trường tiêu thụ sẽ giúp bà con bớt được nỗi lo đầu ra sản phẩm. Để đồng hành cùng HTX, UBND thị trấn Phong Nha cũng đã hỗ trợ đưa sản phẩm chả cá tham gia các hội chợ trong tỉnh, hỗ trợ truyên truyền, quảng bá sản phẩm, các thủ tục tham gia sản phẩm OCOP cũng như địa điểm để xây dựng trụ sở HTX…
 
Thời gian tới, UBND thị trấn sẽ phối hợp với UBND huyện Bố Trạch mở gian hàng các sản phẩm OCOP của huyện tại trung tâm thị trấn để giới thiệu sản phẩm, khuyến khích các nhà hàng, quán ăn, đơn vị làm du lịch trên địa bàn giới thiệu các món đặc sản địa phương nói chung và chả cá sông Son nói riêng với khách du lịch khi tới tham quan di sản; hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm cá trắm tươi sông Son thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh nhằm đa dạng các món ăn phục vụ du khách...
 
Thanh Hoa
 

tin liên quan

Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Ngày 7/5, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Đầu tư 170 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp hồ Vực Tròn

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Nông nghiệp-PTNT Quảng Bình cho biết, hồ Vực Tròn (thuộc địa phận xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch) sẽ được Bộ Nông nghiệp- PTNT bố trí nguồn đầu tư công để sửa chữa, nâng cấp với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản Bắc Lý-Quảng Bình: Tăng sức nóng

Với vị trí chiến lược nằm trong chuỗi trung tâm khu đô thị đại học và hành lang phát triển du lịch Cảng hàng không sân bay Đồng Hới với bãi biển Nhật Lệ, phường Bắc Lý đã và đang thu hút hàng loạt các chủ đầu tư lớn phát triển đô thị kiểu mẫu.