Kỹ sư xây dựng làm giàu từ chăn nuôi

  • 12:13 | Thứ Năm, 28/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là một kỹ sư xây dựng nhưng anh Trần Văn Công (SN 1976, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) lại nuôi ước mơ làm giàu bằng nông nghiệp. Những tưởng ước mơ không liên quan gì đến chuyên môn sẽ khiến anh khó thực hiện. Thế nhưng, sự đam mê, cần cù và siêng học hỏi đã giúp anh “biến” giấc mơ thành hiện thực.  
 
Theo đuổi đam mê
 
Đang ổn định với công việc của một kỹ sư xây dựng, năm 2018, anh Trần Văn Công muốn thử sức thêm với nghề chăn nuôi. Để thực hiện mong muốn, anh bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp trên diện tích khoảng 2ha. Nhìn trang trại tổng hợp quy mô, nhiều người không khỏi thán phục trước sự chịu khó, cần cù của anh. Ít ai biết được rằng, cách đây mấy năm, nó chỉ là một vùng chiêm trũng, nước ngập mênh mông.
 
Anh Công chia sẻ: “Được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực xây dựng nhưng tôi luôn muốn thử sức với lĩnh vực nông nghiệp. Vì thích nghề chăn nuôi, nên trước đây, tôi có đào ao nhỏ nuôi cá. Lúc đó, tôi có người bạn kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Anh bạn này đã rủ tôi đi tham quan các mô hình chăn nuôi lợn ở các tỉnh phía Bắc. Sau chuyến tham quan, học hỏi đó trở về, tôi càng có quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi cho mình. Đúng lúc đó, địa phương đang có chủ trương dồn điền đổi thửa. Gia đình tôi đã nhận 2ha đất ruộng ở vùng chiêm trũng. Do đất chiêm trũng trồng lúa năng suất thấp nên tôi đã chuyển đổi một phần diện tích để cải tạo làm trang trại nhỏ chăn nuôi”.
Mô hình chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Văn Công.
Mô hình chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Văn Công.
Với suy nghĩ đầu tư chăn nuôi theo hướng nghiêm túc, lâu dài, anh Công đã quyết định bỏ vốn xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn theo mô hình hiện đại. Do trang trại nằm ở vùng đất thấp, nên một phần diện tích đất anh giữ nguyên để trồng lúa, nuôi cá, phần còn lại thì đắp nền cao để phục vụ chăn nuôi. Do mùa mưa lụt, đất ở đây nước ngập rất cao nên thay vì xây chuồng nuôi lợn trên đất, anh phải xây chuồng nuôi trên sàn cao.
 
“Mùa mưa ở đây lụt rất lớn. Nếu xây theo kiểu bình thường thì nước lũ sẽ cuốn trôi hết tài sản, vì vậy, tôi phải xây chuồng trên sàn cao 1,5m so với mặt đất. Hệ thống chuồng có chiều dài 35m, rộng 12m. Đặc biệt, chuồng nuôi đều được tôi đầu tư theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, từ hệ thống máng ăn, nước uống đều được tôi sử dụng theo hình thức tự động. Nước thải và phân đều được dẫn về hầm biogas xử lý để tránh ô nhiễm môi trường”, anh Công chia sẻ.
 
Để hoàn thành mô hình trang trại và hệ thống chuồng nuôi, anh đã bỏ ra số vốn khoảng 400 triệu đồng. Hiện tại, với hệ thống chuồng nuôi lợn hiện đại này, trang trại anh có thể nuôi được 200 con lợn thịt/lứa. Ngoài ra, để chủ động con giống, anh còn đầu tư chuồng để nuôi thêm 30 con lợn nái.
 
Không ngại thử nghiệm
 
Đánh giá về mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Trần Văn Công, chị Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phương cho biết: Mặc dù được nhận vùng đất chiêm trũng nhưng anh Nguyễn Văn Công đã biết tận dụng để khai thác chăn nuôi hiệu quả. Mô hình trang trại của anh Công hiện đang chăn nuôi nhiều vật nuôi, trong đó thành công nhất vẫn là nuôi lợn thịt theo hướng hiện đại. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh cho lợi nhuận khoảng 450 triệu đồng. Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương, rất đáng để người dân trong vùng học hỏi và thực hiện.
Mặc dù theo học chuyên ngành xây dựng, nhưng anh Công luôn đam mê và dành nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu các mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Thấy người thân, bạn bè có những mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao là anh đến tham quan, học kinh nghiệm nuôi.
 
“Vừa rồi tôi có vào thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) để tham quan mô hình nuôi cá lóc trên bể xi măng của một người bạn. Thấy cách nuôi đơn giản nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, tôi lại về mày mò thêm kiến thức trên mạng để bắt tay xây dựng 6 bể nuôi xi măng. Được bạn giới thiệu địa điểm bán giống, tôi mua 6.000 con cá lóc giống về thả ở 6 bể xi măng có lót bạt. Trung bình mỗi bể, tôi thả 1.000 con. Đến nay, sau 2 tháng nuôi, cá lóc đang phát triển tốt và không bị dịch bệnh”, anh Công vui mừng cho biết.
 
Cũng theo anh Công, ưu điểm của nuôi cá lóc trên bể xi măng có lót bạt là hạn chế được dịch bệnh và chi phí đầu tư ao nuôi thấp. Bên cạnh đó, giá đầu ra cho cá lóc cũng tương đối cao. Chính vì vậy, nuôi cá lóc trên bể xi măng hứa hẹn sẽ là hướng đi lâu dài cho trang trại của anh.
 
Không chỉ thử sức với mô hình nuôi cá lóc trên bể xi măng, qua tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, anh Công còn mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi ốc bươu đen. Anh Công cho hay: Hiện nay, trên thị trường, ốc bươu đen là loại đang được ưa chuộng và có đầu ra tương đối cao, khoảng 100.000 đồng/kg. Hơn nữa, nuôi ốc bươu đen chí phí thấp. Vừa rồi, anh đã đào một ao và thả bèo để nuôi 10.000 con ốc bươu đen. Hiện, số ốc bươu đen này đã nuôi được 2 tháng, dự kiến sang tháng thứ 4 sẽ cho thu hoạch.  
 
Mặc dù biết việc thử nghiệm các mô hình có thể xảy ra rủi ro lớn và chịu thiệt hại về kinh tế, tuy nhiên, để thỏa đam mêvà tìm ra những vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước, khí hậu, anh Công chấp nhận rủi ro.
 
“Dự định sắp tới của tôi là sẽ thử nghiệm thêm mô hình nuôi lươn trên bể xi măng. Mô hình này tôi đã đi tham quan và hiện đang xây bể. Cũng cuối năm nay, tôi dự định sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng nuôi lợn theo mô hình chuồng lạnh khép kín, tức là có dàn điều hòa chạy bằng nước và hệ thống quạt. Mô hình sẽ khép kín hoàn toàn, qua đó hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra", anh Công hào hứng chia sẻ.
 
Đ.Nguyệt

tin liên quan

Lệ Thủy: Bàn giao mốc lộ giới đường cao tốc Bắc-Nam đạt trên 70%

(QBĐT) - Ngày 26/4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông-Vận tải) đã tiến hành bàn giao mốc lộ giới cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lệ Thủy và các địa phương liên quan nơi có đường cao tốc Bắc-Nam đi qua.

Phát huy nguồn vốn tín dụng

(QBĐT) - Thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng CSXH đã đến được với nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách và người dân ở tất cả các thôn, tổ dân phố của 15/15 xã, phường của TP. Đồng Hới. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay

(QBĐT) - Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Ngân hàng đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng về vốn vay.