Thích ứng-Đồng hành-Phát triển:

Giao thông kết nối, động lực phát triển

  • 07:36 | Thứ Tư, 23/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là một trong số ít các địa phương trong cả nước có mạng lưới giao thông 5 loại hình kết nối liên hoàn đồng bộ. Nhiều công trình, dự án trọng điểm hạ tầng giao thông (HTGT) đã đưa vào sử dụng cũng như đang được triển khai, cùng với chính sách “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, hứa hẹn mang lại những đột phá, tạo động lực phát triển.
 
Hạ tầng giao thông luôn “đi trước một bước”
 
Là địa phương nằm ở cuối hành lang kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Bắc Lào và Thái Lan, Quảng Bình hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực. Trong đó, hệ thống cơ sở HTGT được đầu tư, quy hoạch tương đối đồng bộ với đầy đủ các loại hình: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không.
 
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, những năm qua, Quảng Bình đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống HTGT luôn “đi trước một bước”, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).
 
Cũng theo ông Tuấn, Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ rất thuận tiện trong nhu cầu đi lại và giao thương, gồm: Quốc lộ 1, hai nhánh đường Hồ Chí Minh Đông và Tây, đường sắt Bắc-Nam, sân bay Đồng Hới, cảng biển Hòn La; đặc biệt là Quốc lộ 12A, con đường ngắn nhất nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.
 
Trong đó, Cảng hàng không Đồng Hới là một trong những sân bay tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng trưởng 20-25%/năm từ năm 2009. Quốc lộ 1, hệ thống đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc-Nam chạy dọc theo chiều dài của Quảng Bình cũng đã liên kết thuận lợi với các đường ngang và các điểm đến du lịch trong khu vực: Cố đô Huế, Đà Nẵng, phố cổ Hội An-thánh địa Mỹ Sơn. Cảng biển nước sâu Hòn La cho phép tàu 20.000 tấn ra vào và hiện đang xây dựng giai đoạn 2 để tiếp nhận tàu trên 30.000 tấn ra vào, năng lực tiếp nhận trên 1,2 triệu tấn/năm.
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt, được đầu tư bài bản kết nối Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan, tiểu vùng sông Mê Kông và Khu kinh tế biển Hòn La thuộc vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Đòn bẩy phát triển
 
Những năm qua, đầu tư HTGT được chia thành các giai đoạn phù hợp với điều kiện của đất nước và của tỉnh. Nhiều dự án quan trọng mang tính kết nối cao, có ý nghĩa chiến lược đã được hoàn thành, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo của tỉnh. Nhất là việc đưa vào sử dụng cầu Nhật Lệ 1, Nhật Lệ 2 được xem như đòn bẩy để phát triển bán đảo Bảo Ninh thành một đô thị đa chức năng, tạo điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Bình.
 
Việc hoàn thiện HTGT cũng kết nối các địa bàn vùng cao, vùng xa, xóa bỏ cách trở với trung tâm đô thị tỉnh, huyện, tăng cường năng lực vận tải, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
 
Xã biên giới Thượng Trạch (Bố Trạch) cách trung tâm huyện lỵ gần 100km. Nếu như trước đây để lên với đồng bào, phải mất cả ngày đường thì nay đường bê tông đã vào tận các bản, chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ đi ô tô. Tuyến đường 20 Quyết Thắng được nâng cấp, sửa chữa chạy từ trung tâm thị trấn Phong Nha đến cửa khẩu Cà Roòng, giáp biên giới Việt-Lào đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược, để người Ma Coong dần bắt nhịp với cuộc sống hiện đại.
 
Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch Trương Tấn Hưng chia sẻ: “Giao thông đi lại thuận tiện không những giúp người dân địa phương dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ về y tế, giáo dục mà còn thay đổi tư duy của bà con trong phát triển kinh tế, loại bỏ dần tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây”.
 
TX. Ba Đồn là cực tăng trưởng hàng đầu và được định hướng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Bắc Quảng Bình. Những năm qua, thị xã đã đầu tư hàng chục dự án đường giao thông quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện KT-XH, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị, như: Dự án đường Võ Nguyên Giáp nối Quốc lộ 1 đến bãi biển Quảng Thọ; dự án đường từ xã Quảng Lộc đi cụm trung tâm các xã vùng Nam; dự án tuyến đường từ phía Nam Cầu Quảng Hải 2 đi Ga Lạc Giao; dự án cầu Cồn Nâm, cầu Hà Sơn kết nối các vùng cồn bãi...
 
Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đoàn Minh Thọ cho biết, việc tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện kết cấu HTGT đồng bộ, theo hướng văn minh, hiện đại là đòi hỏi cấp thiết, nhằm phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đệm để thu hút đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội và đón đầu xu hướng đô thị hóa.
 
Từng bước hiện đại
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại là 1 trong 4 khâu đột phá chiến lược. Trên cơ sở đó, Quảng Bình sẽ ưu tiên, tập trung tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai các dự án HTGT có tính đột phá.
 
Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng tuyến đường bộ ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 với tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng chiều dài 86km trải dài trên địa bàn của 6 huyện, thành phố, thị xã.
Bên cạnh cảng biển, cảng hàng không, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 908km quốc lộ, 370km tỉnh lộ gồm 21 tuyến, phần lớn là các trục Đông-Tây nối Quốc lộ 1-đường Hồ Chí Minh với biên giới Việt-Lào; có 174km đường sắt đi dọc chiều dài của tỉnh với 19 ga; 230km đường thủy nội địa. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường ô tô về đến trung tâm...

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Anh Tuấn, đây là dự án trọng điểm với mục tiêu đầu tư nhằm phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư và khai thác các thế mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Ngoài ra, tuyến đường sẽ giúp kết nối các khu vực ven biển với vùng kinh tế tổng hợp Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Bên cạnh đó, Quảng Bình đang tích cực phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT thực hiện các bước triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình với chiều dài hơn 126km. Dự án là công trình trọng điểm quốc gia, với kết cấu hiện đại phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển trọng điểm của tỉnh Quảng Bình.

Với phương châm, HTGT luôn “đi trước một bước”, thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục mở rộng, nâng cấp các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn như: Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B..., để hình thành tuyến kết nối mới sang Lào qua các cửa khẩu biên giới; chuẩn bị triển khai xây dựng cầu Nhật Lệ 3, tạo điều kiện khai thác quỹ đất, kết nối cửa ngõ Tây Nam TP. Đồng Hới ra biển; xây dựng cầu và đường nối phía bắc huyện Quảng Trạch đến khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng nhằm kết nối các khu du lịch trọng điểm; nâng cấp cảng Hòn La bảo đảm tiếp nhận tàu 30.000-50.000 tấn, Cảng hàng không Đồng Hới đạt công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm...
 
Với quyết tâm tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, Quảng Bình luôn nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống HTGT, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao thương thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
 
 Xuân Phú

tin liên quan

Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 1.000 người dân

(QBĐT) - Ngày 22/3, thông tin từ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tổ chức 51 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hơn 1.000 người dân tại các địa phương trong toàn tỉnh.

Quảng Bình trong mắt nhà đầu tư

(QBĐT) - Những năm qua, Quảng Bình đã triển khai nhiều chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Những đánh giá, nhận xét tích cực của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế thêm một lần nữa khẳng định Quảng Bình là điểm đến đầu tư hấp dẫn...

Quảng Bình- Rộng mở tiềm năng và hiện thực

(QBĐT) - Quảng Bình-mảnh đất nắng gió với những tiềm năng, thế mạnh và sự khác biệt; với chính sách và cơ chế thông thoáng, linh hoạt… đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến với Quảng Bình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tìm thấy nhiều cơ hội để biến những ý tưởng, chiến lược đầu tư trở thành hiện thực…