Quảng Bình chung sức gỡ "thẻ vàng"

  • 08:12 | Thứ Tư, 02/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Sau hơn 4 năm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, việc thực hiện quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Quảng Bình đã có nhiều sáng tạo và chuyển biến tích cực.
Đồng chí Phó Chủ nước Võ Thị Ánh Xuân trò chuyện với cán bộ, ngư dân phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn) về nỗ lực  "gỡ thẻ vàng " của EC
Đồng chí Phó Chủ nước Võ Thị Ánh Xuân trò chuyện với cán bộ, ngư dân phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn) về nỗ lực "gỡ thẻ vàng" của EC

NỖ LỰC CHUNG TAY

Sáng 24 tháng giêng âm lịch, chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, ngư dân Nguyễn Quốc Huy, phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn), chủ tàu cá QB 98747 TS có mặt tại Trạm kiểm soát biên phòng Gianh (Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh) để làm thủ tục xuất bến. Sau khi được cán bộ, chiến sĩ tại trạm hướng dẫn, phổ biến các nội dung theo quy định, anh Huy đã thực hiện ký cam kết chấp hành quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU với 7 điều khoản cụ thể.
 
Anh Huy cho biết, tàu của anh có 5 ngư dân, tham gia đánh bắt tại ngư trường từ Nghệ An đến Quảng Trị và khu vực quần đảo Hoàng Sa. Bình quân một chuyến khai thác kéo dài từ 1 tuần đến nửa tháng tùy vào hiệu quả đánh bắt. Thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Cảng Gianh và Chi cục Thủy sản tuyên truyền, hướng dẫn, anh Huy đã hiểu, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU.
 
“Đến nay thì đa số ngư dân chúng tôi đều nắm rõ các nội dung cần thực hiện trong quá trình đánh bắt để “gỡ thẻ vàng”. Nếu vì lợi ích cá nhân mà vi phạm các quy định, trước tiên sẽ bị xử phạt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đời sống ngư dân cũng bị ảnh hưởng”, anh Huy chia sẻ.
Ngư dân Nguyễn Quốc Huy ký cam kết chống khai thác IUU
Ngư dân Nguyễn Quốc Huy ký cam kết chống khai thác IUU
Xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) hiện có trên 170 tàu cá khai thác vùng khơi. Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, 100% tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các quy định chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống phát thanh của xã; các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật do Bộ đội Biên phòng, Chi cục thủy sản và địa phương phối hợp tổ chức; kết hợp với các tổ đoàn kết trên biển… Về cơ bản, người dân nói chung, ngư dân nói riêng đều nắm bắt đầy đủ các quy định và tự giác thực hiện.
 
Tại huyện Bố Trạch, với 308 tàu cá khai thác vùng khơi, huyện đã triển khai đồng bộ, tích cực các giải pháp nhằm “gỡ thẻ vàng”. “Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng để xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài vì đây là một trong những nội dung nghiêm trọng mà EC khuyến cáo. Do đó, năm 2021, toàn huyện có 28 lượt tàu cá vi phạm, giảm 117 trường hợp so với năm 2020”, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch cho biết.
 
QUYẾT TÂM VÀ SÁNG TẠO 
 
Trong thư gửi ngư dân toàn tỉnh nhân dịp phát động mùa biển mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: “Cùng với việc giữ vững sự phát triển trên cả 3 trụ cột là khai thác, bảo tồn và nuôi trồng, bà con cần tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU. Tôi tin tưởng bằng tình yêu, trách nhiệm của mình với quê hương, bà con ngư dân tỉnh ta sẽ làm tốt những nhiệm vụ này, chung tay “gỡ thẻ vàng”, góp phần khẳng định vị thế thủy sản Quảng Bình nói riêng, Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế!” 
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản cho biết: Trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC, trên cơ sở tình hình thực tế, từ năm 2018, Quảng Bình đã có sáng kiến mang lại hiệu quả tích cực.
 
Đó là để tạo thuận lợi cho ngư dân đồng thời kiểm soát hiệu quả hoạt động của tàu cá, thay vì quy định xuất bến tại cảng Gianh và Nhật Lệ, Sở NN-PTNT đã thành lập các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá gồm lực lượng kiêm nhiệm của Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá và các Đồn Biên phòng trên địa bàn. Văn phòng sẽ kiểm soát tàu xuất bến tại cửa Roòn, Gianh, Nhật Lệ và nhập tại cảng Gianh, Nhật Lệ.
 
“Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, với sự tham gia của lực lượng Bộ đội Biên phòng, công tác phối hợp tuyên truyền, tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm của tàu cá được triển khai hiệu quả hơn rất nhiều.
 
Từ cách làm của Quảng Bình, nhiều địa phương trong cả nước đã tham quan, học hỏi. Đây cũng là yếu tố quan trọng mang lại những chuyển biến trong hành trình “gỡ thẻ vàng” thời gian qua”, ông Linh cho biết thêm.
 
Quảng Bình hiện có 1.207 tàu cá từ 15m trở lên khai thác vùng khơi, trong đó có 1.169 tàu đang hoạt động. Được Bộ NN-PTNT giao 1.207 giấy phép, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 1.047 giấy phép/1.169 tàu đang hoạt động (đạt 89%).
 
Cùng với việc lắp đặt thiết bị GSHT trên 91% số tàu (bình quân chung cả nước đạt trên 87%), tỉnh cũng đồng thời ban hành quy trình xử lý dữ liệu GSHT tàu cá từ 15-24m bị mất kết nối, vượt ranh giới trên biển. Chi cục Thủy sản đã phân quyền cho các địa phương và các đồn biên phòng tham gia giám sát nên thời gian qua đã hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thị xã Ba Đồn chống khai thác IUU.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chống khai thác IUU.
“Trên thực tế, Cảnh Dương vẫn còn một số tàu cá vi phạm quy định này. Qua tìm hiểu nguyên nhân được biết do lỗi kết nối thiết bị GSHT nên bà con không kiểm soát được việc vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với việc nhắc nhở bà con kiểm tra kỹ hoạt động của thiết bị GSHT, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền. Bên cạnh đó, việc xử lý của cơ quan chức năng về chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48 đối với những tàu cá này cũng góp phần chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm cho bà con”, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết.
 
Trong số những nội dung đánh giá của EC đối với báo cáo cập nhật của nước ta về chống khai thác IUU, công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nội dung quan trọng. Để bảo đảm tuân thủ tốt quy định này, ý thức trách nhiệm của ngư dân cần được đặt lên hàng đầu.
 
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình vào tháng 11/2021, trò chuyện với ngư dân phường Quảng Phúc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng khẳng định: Bên cạnh những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thì bà con ngư dân chính là người quyết định việc “gỡ thẻ vàng”.
 
"RÀO CẢN" CẦN VƯỢT QUA
 
Ý thức của ngư dân về  chống khai thác IUU ngày càng được nâng cao, lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm sâu
Ý thức của ngư dân về chống khai thác IUU ngày càng được nâng cao, lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm sâu
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chống khai thác IUU vẫn còn những khó khăn nhất định. Đó là còn nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị GSHT; tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn; một số quy định pháp luật quản lý thủy sản của Trung ương vẫn chưa phù hợp nên quá trình thực hiện còn phát sinh vướng mắc; các khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá của tỉnh hiện chưa đáp ứng được quy định của Luật Thủy sản 2017 dẫn đến khó khăn trong việc công bố khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động…
 
Để cùng với cả nước “gỡ thẻ vàng” thời gian qua, Quảng Bình đã chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh và Bộ NN-PTNT để có các cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả. Trong chống khai thác IUU, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách, đồng thời cũng là cơ hội để tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử phạt, đặc biệt ý thức của ngư dân đã ngày càng được nâng cao.
 
“Quảng Bình đã triển khai thực hiện nghiêm những khuyến nghị của EC và có các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, được Bộ NN-PTNT ghi nhận, đánh giá cao. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh vững tin khắc phục mọi rào cản, thực hiện hiệu quả chống khai thác IUU, góp phần cùng cả nước “gỡ thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất”, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
 
Ngọc Mai

 

tin liên quan

Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách

(QBĐT) - Năm 2021, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Nhờ đó, nhiều hộ đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.

"Khoác áo mới", đón đầu làn sóng du lịch

(QBĐT) - Suốt 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, mở cửa đón khách quốc tế là cơ hội để du lịch Quảng Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển. Không đi lại trên lối mòn cũ, nhiều doanh nghiệp du lịch tích cực thay đổi, sáng tạo và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. "Khoác áo mới" cho du lịch chính là sẵn sàng đón đầu các làn sóng du lịch phía trước.

Khi cây lúa… thực hiện SRI

(QBĐT) - Mấy năm trở lại đây, việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được triển khai trên diện rộng, đưa lại hiệu quả cao hơn về năng suất, sản lượng so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng, việc áp dụng kỹ thuật này vẫn còn những khó khăn, trở ngại bởi thói quen canh tác lúa truyền thống của người dân và chất lượng các giống lúa đang áp dụng chưa được thay thế…