Mùa xuân nói chuyện trồng rừng

  • 07:26 | Thứ Tư, 16/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong không gian tươi mát của ngày mùa xuân, rừng trám, lim… và nhiều loài cây bản địa tại xã Hóa Sơn (Minh Hóa) vươn cao, tỏa bóng mát lành. Dưới tán rừng, cây sim và các loài dược liệu giờ không chỉ mọc tự nhiên mà được người dân chủ động trồng, chăm sóc, bước đầu mang lại nguồn thu hứa hẹn. Chung tay trồng và bảo vệ rừng, trồng xen các loài cây ngắn hạn, có giá trị kinh tế cao nhằm “lấy ngắn nuôi dài” là hướng đi mà nhiều nông dân đang theo đuổi.
 
Chuyện của cây trám
 
Năm 2008, ông Bàn Văn Sơn, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn có mặt trong đoàn tham quan các mô hình trồng rừng do Dự án khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức tại các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang. Sau chuyến tham quan, được sự hỗ trợ của dự án, ông Sơn cùng trên 40 hộ của xã đã trồng cây trám trắng và lim xanh, trong đó cây trám chiếm diện tích lớn.
 
Sau hơn 10 năm chăm sóc, 2ha rừng trám, lim của ông đã phát triển ổn định và cho sản phẩm. “Tôi đã liên hệ với một số đầu mối thu mua quả và nhựa trám tại Bắc Giang. Giá quả là 25-30 nghìn đồng/kg, nhựa là 58-65 nghìn đồng/kg. Sau khi thu hoạch tôi gửi ra Bắc Giang, bên mua thanh toán chi phí vận chuyển. Với giá quả và nhựa trám như trên, tôi và các hộ trồng trám của xã sẽ có nguồn thu khá ổn định nếu thị trường tiêu thụ được bảo đảm!”.
 
Theo ông Sơn, cái khó nhất hiện nay của người trồng trám là đầu ra cho sản phẩm. Hiện ông chỉ mới tiêu thụ nhỏ lẻ qua đầu mối thu mua tự khai thác nên phụ thuộc và thiếu chủ động. Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm trồng, rừng trám của ông cần được tỉa thưa để bảo đảm cho cây phát triển. Số cây phải tỉa thưa cũng đủ tiêu chuẩn bán lấy gỗ nhưng hiện ông chưa tìm được đầu ra. Nếu khoảng 80 khối gỗ trám được bán, ông sẽ có nguồn thu lớn đồng thời rừng trám sẽ phát triển tốt hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm mô hình trồng rừng của ông Đinh Tiến Phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm mô hình trồng rừng của ông Đinh Tiến Phương.

Hiện toàn xã Hóa Sơn có trên 40 hộ trồng trám, trong đó có 4 hộ đang duy trì tốt việc chăm sóc, phát triển rừng trám. Qua hơn 10 năm có mặt tại đất rừng nơi đây, cây trám đã chứng minh khả năng thích ứng. “Qua nhiều đợt bão lũ, nếu keo, tràm, cao su bị gãy đổ phần nhiều, thì cây trám vẫn đứng vững. Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy cây trám phù hợp với việc trồng rừng phòng hộ, rừng tái sinh. Và quan trọng nhất là thu được nhiều sản phẩm từ quả, nhựa, lấy gỗ…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, trong tổng số gần 850ha rừng của xã, keo, tràm chiếm gần 700ha, cây trám chỉ chiếm diện tích nhỏ. Xét về hiệu quả kinh tế thì hiện tại keo, tràm vẫn là tối ưu, về tác dụng giữ rừng, tạo độ che phủ thì cây trám vượt trội. “Nếu giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm thì cây trám là lựa chọn rất phù hợp cho các diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Cùng với phát triển các diện tích trám hiện tại, trồng xen cây trám vào các diện tích rừng đang được khoanh nuôi, bảo vệ là hướng đi mà nhiều người dân sẽ lựa chọn bởi tác dụng giữ rừng và hiệu quả từ các sản phẩm của cây trám”, ông Tuyên cho biết thêm.
 
Nuôi rừng để rừng nuôi
 
Ông Đinh Tiến Phương, thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn tự hào với khu rừng gồm nhiều cây bản địa, như: Trầm gió, trám, lim cùng các loại cây trồng xen (cam, quýt, sim…). Ông kể, năm 1986, cùng với người anh trai, ông nhân giống cây trầm gió từ vườn của bố và mang trồng tại diện tích vườn rừng hiện có, thời điểm đó chưa được giao cho gia đình ông.
 
Đến năm 2005, khi có chủ trương giao đất cho các hộ, ông là 1 trong 6 hộ được ưu tiên giao khu vực rừng mà gia đình đã trồng với tổng diện tích 2,6ha. Từ đó đến nay, vườn rừng của ông phát triển ổn định, góp phần mang lại màu xanh trù phú cho quê hương. Quá trình tham gia sản xuất, ông giữ lại tất cả những gốc cây bản địa, chăm sóc tốt cây trầm gió, trồng thêm cam, quýt, sim, nuôi bò để tạo thu nhập.  
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: "Trồng rừng bằng cây bản địa, cây gỗ lớn là định hướng chung, nhằm bảo đảm sự bền vững cho ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, tổ chức xây dựng các chuỗi giá trị từ rừng để vừa góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa chung tay bảo vệ, phát triển và khai thác rừng hiệu quả bền vững".

“Năm 2021, tiền bán sim được 10 triệu đồng, tôi đang trồng thêm sim, chăm sóc tốt cho trầm gió. Nhiều cây gỗ lớn trong vườn rừng có người hỏi mua nhưng tôi không bán vì muốn giữ cây cho rừng. Thu nhập từ cây sim, cam, quýt cùng nuôi bò cũng cơ bản bảo đảm cho gia đình. Nếu địa phương có các dự án trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng, tôi rất sẵn sàng hưởng ứng!”, ông Phương chia sẻ.

Hơn 30 năm gắn bó với đất rừng, đặc biệt từ thời điểm được Nhà nước giao đất vào năm 2005, với tình yêu và trách nhiệm của mình, ông Đinh Tiến Phương không chỉ gìn giữ mà còn mang lại màu xanh trù phú cho 2,6ha đất rừng được giao. “Nuôi rừng để rừng nuôi” là con đường mà ông Phương và nhiều người dân đã và đang lựa chọn, hướng đến một tương lai bền vững cho rừng và cho cuộc sống của chính mình.
 
Hướng đi hiệu quả
 
Trong chuyến công tác đầu năm mới 2022 tại huyện Minh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng và đoàn công tác của tỉnh đã thăm các mô hình phát triển kinh tế của bà con, trong đó có trồng rừng. Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, sáng tạo của các hộ dân tại xã Hóa Sơn, khẳng định đây là mô hình hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã nắm bắt, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Rừng trám trắng và lim xanh của ông Bàn Văn Sơn đang phát triển tốt.
Rừng trám trắng và lim xanh của ông Bàn Văn Sơn đang phát triển tốt.

Đối với cây trám, loại cây đang hứa hẹn lợi ích cả về kinh tế và trồng rừng phòng hộ, rừng tái sinh, người dân và chính quyền xã Hóa Sơn mong muốn các sở, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên, giải được bài toán đầu ra cho cây trám sẽ góp phần mang lại thu nhập ổn định cho bà con, rừng được bảo vệ tốt hơn và có thể xem đây là mô hình trồng rừng lý tưởng!

Hiện xã Hóa Sơn đang dự định đưa các loại cây dược liệu như ba kích, lá khôi… trồng dưới tán rừng. “Những loại dược liệu này hiện sinh trưởng và phát triển tự nhiên tại nhiều khu vực rừng trên địa bàn huyện và có giá thu mua khá cao, ổn định trong thời gian dài. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy nếu triển khai các dự án cây dược liệu dưới tán rừng, sẽ tạo nguồn thu nhập và bà con yên tâm chăm sóc rừng. Để thực hiện được ý tưởng này, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện và các ngành chức năng!”, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên cho biết thêm.

“Sở Nông nghiệp-PTNT đang rà soát, thống kê số lượng và hiện trạng phát triển của cây trám trên địa bàn huyện Minh Hóa. Sau khi  đánh giá toàn diện, sở sẽ cân nhắc, lựa chọn hướng đi phù hợp cho cây trám để phát huy hiệu quả về kinh tế cho bà con và mục tiêu trồng rừng phòng hộ, rừng tái sinh. Cũng trong năm 2022, sở đã bố trí kinh phí để thực hiện 5 mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng tại các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, hiện đang tiến hành khảo sát để thực hiện”, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết.
Ngọc Mai

tin liên quan

Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện

(QBĐT) - Chiều ngày 15/3, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp bàn phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án điện đầu tư trên địa bàn. 

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

(QBĐT) - Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15/3), tỉnh Quảng Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ NTD.

Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất

(QBĐT) - Thời điểm này, bà con nông dân trong toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân2021-2022. Để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động các phương án tu sửa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, điều tiết nước hợp lý… nhằm bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.